Cụ thể, ngày 17/6/2015, Tổng cục Thủy sản ban hành công văn 1512 thu hồi văn bản và các phụ lục văn bản liên quan việc cấp chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn lưu hành đã bị 8 cán bộ thuộc Trung tâm này "chế" thêm
Tuy nhiên, trong văn bản này, Tổng cục Thủy sản lại… lờ đi lý do thu hồi vì nguyên nhân phụ lục văn bản bị cắt dán, chỉnh sửa.
Thay vào đó, lý do thu hồi do Tổng cục đưa ra lại là “qua rà soát nội bộ văn bản hành chính có nội dung thông báo sản phẩm thức ăn thủy sản hoặc sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu bổ sung vào danh mục lưu hành tại Việt Nam, Tổng cục đã phát hiện một số sản phẩm đã được Tổng cục Thủy sản thông báo cho phép lưu hành nhưng chưa đủ điều kiện, chưa đáp ứng được yêu cầu hồ sơ theo quy định”.
Nội dung này cho thấy hành vi sai phạm "chế" phụ lục văn bản của 8 cán bộ, qua văn bản thu hồi của tổng cục, đã trở thành các lỗi hành chính.
Mặt khác, qua thực tế thu hồi văn bản của Tổng cục, có thể thấy số văn bản và phụ lục bị chỉnh sửa, cắt dán làm sai lệch nội dung đã lớn hơn số 3 văn bản.
Cụ thể, Tổng cục yêu cầu thu hồi văn bản số 1382 ban hành ngày 3/5/2013, có 186 sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trong phụ lục đính kèm. Trong đó, có 151 sản phẩm trong nước và 35 sản phẩm nhập khẩu, số doanh nghiệp có sản phẩm thu hồi chứng nhận là 38 doanh nghiệp...
Yêu cầu thu hồi văn bản số 663 ban hành ngày 22/3/2013 với phụ lục gồm 157 sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, với 29 doanh nghiệp có sản phẩm phải thu hồi chứng nhận
Tổng cục Thủy sản cũng yêu cầu thu hồi một phần phụ lục ban hành kèm theo văn bản số 758 ban hành ngày 1/4/2013, gồm 198 sản phẩm cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, thu hồi thứ tự từ 31 đến số 198, với 16 doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi chứng nhận
Văn bản 1526 ban hành ngày 17/6/2013 có phụ lục đi kèm gồm 150 sản phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước, thu hồi từ số thứ tự 43 đến 150, với 22 doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi chứng nhận.
Văn bản 1789 ban hành ngày 10/7/2013 có phụ lục gồm 163 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, bị thu hồi từ số 20 đến số 163, với 34 doanh nghiệp bị thu hồi chứng nhận sản phẩm.
Như vậy, số văn bản và phụ lục bị thu hồi do bị "chế" phụ lục đã lên tới con số 5
Yêu cầu nữa của Tổng cục Thủy sản là các doanh nghiệp có tên đang lưu giữ các văn bản (sai phạm) nói trên phải gửi bản chính, bản sao về tổng cục để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện các cán bộ sai phạm trong vụ việc đã nộp lại 1 tỷ đồng tiền thu từ doanh nghiệp. Theo xác minh của đoàn kiểm tra thuộc tổng cục, doanh nghiệp phải chi khoảng 5 triệu đồng cho mỗi sản phẩm được “chế” có tên trong phụ lục.