Nghị định “quy định lại”, doanh nghiệp “xin” được đề xuất để phục vụ dân

VietTimes -- Bộ GTVT vừa có báo cáo và kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp được phép "chuyển tải" người đi xe máy, xe đạp có nhu cầu qua lại hầm đường bộ Hải Vân.
Hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành vào ngày 5/6/2005.
Hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành vào ngày 5/6/2005.

Đề xuất này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng xe môtô, xe gắn máy và xe đạp đi qua đèo Hải Vân một cách thuận lợi nhất.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép HAMADECO (là đơn vị đang quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân) được thực hiện sử dụng xe khách 29 chỗ và xe tải (vận chuyển người và phương tiện xe môtô, xe gắn máy, xe đạp) để kinh doanh vận chuyển người dân có nhu cầu đi lại qua hầm đường bộ Hải Vân.

Theo đó, việc vận chuyển hành khách bằng xe buýt, còn vận chuyển xe đạp, xe môtô, xe gắn máy của hành khách qua hầm bằng xe tải. Đồng thời, giao Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng cấp Giấy phép kinh doanh vận tải và cấp phù hiệu xe buýt, xe tải cho HAMADECO thực hiện vận chuyển.

Trước đây, Công ty Cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân đã tổ chức vận chuyển hành khách và xe đạp, xe môtô, xe gắn máy của hành khách qua hầm đường bộ Hải Vân.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô được ban hành và có hiệu lực thì việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa qua hầm đường bộ Hải Vân này không còn phù hợp với quy định của Nghị định số 86.

Hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành vào ngày 5/6/2005 để rút ngắn thời gian qua đèo Hải Vân nối liền hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng trong đó có trạm dịch vụ vận chuyển qua hầm đường bộ Hải Vân thuộc Công ty Cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) đi vào hoạt động từ tháng 1/2007 đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân hai địa phương cũng như các tỉnh, thành phố khác qua hầm đường bộ Hải Vân.