Đó là lý do để Bộ Y tế xây dựng đề án "Thu hút người người nước ngoài, người Việt Nam và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030" hay còn gọi là chủ trương "dây rút ngược".
Nỗ lực đầu tư, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
TS. Dương Huy Lương (Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế) cho biết năm 2018, các bệnh viện trong nước đã tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám, chữa bệnh. Trong đó, có tới 57.000 người điều trị nội trú. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tại 329 bệnh viện đã có tới 88.983 lượt người nước ngoài đến khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú ở các tuyến bệnh viện.
Một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện tư nhân tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các thành phố lớn, trung tâm du lịch đã và đang được đầu tư trang thiết bị y tế ngang tầm với khu vực và thế giới. Đã có khoảng 50 bệnh viện đạt chất lượng tốt theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. Hiện, cả nước đã có 4 bệnh viện đạt chứng nhận chất lượng của Hoa Kỳ (JCI - Joint Commission International).
TS. Dương Huy Lương phát biểu tại hội thảo
|
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, 5 năm gần đây, chất lượng khám, chữa bệnh đã có sự cải tiến rõ rệt: Bộ mặt của nhiều bệnh viện có sự thay đổi tích cực; các bác sĩ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao, đào tạo bài bản, làm chủ nhiều kỹ thuật phức tạp ngang tầm thế giới (sử dụng robot, phẫu thuật nội soi, ghép tạng,…); cơ sở vật chất, hạ tầng của bệnh viện được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu người bệnh; phương pháp điều trị cổ truyền như châm cứu được truyền bá rộng rãi trên thế giới,…
Đáng chú ý, mặc dù chi phí dịch vụ y tế (kỹ thuật nha khoa, thẩm mỹ, nội soi, ung bưới, ghép tạng, thụ tinh trong ống nghiệm,…) tại nước ta thấp hơn so với nhiều nước, nhưng hiệu quả về kinh tế y tế đối với người bệnh lại cao hơn các kỹ thuật tương tự được thực hiện ở nhiều nước phát triển.
Người Việt vẫn chi tiền tỷ để ra nước ngoài chữa bệnh
Mặc dù công tác khám, chữa bệnh không ngừng được nâng cao, chi phí thấp hơn các nước, nhưng mỗi năm, người Việt vẫn chi 2 tỷ USD ra nước ngoài để khám, chữa bệnh.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do hệ thống khám, chữa bệnh vẫn còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển cũng như yêu cầu của xã hội.
Các cơ sở y tế mới chỉ tập trung vào việc giảm tải, khám, chữa bệnh thông thường mà chưa đầu tư phát triển kỹ thuật cao, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, tỷ lệ bệnh viện có khu/khoa điều trị quốc tế chất lượng cao chỉ chiếm 5,5%; tỷ lệ bệnh viện có khu/khoa điều trị theo yêu cầu chiếm 22,2%.
Cùng với đó, chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với chất lượng lâm sàng; cơ chế giá chưa phù hợp nên một bộ phận người có thu nhập cao ra nước ngoài khám, chữa bệnh, không lựa chọn điều trị tại các bệnh viện trong nước; các loại hình bảo hiểm y tế, bảo hiểm thương mại mới chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân, chưa có mệnh giá lớn đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người có thu nhập cao.
Tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công lập vẫn chưa thực sự tạo được sự tin tưởng và thu hút được người nước ngoài đến khám, chữa bệnh. Ngoài ra, do chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận quốc tế nên người nước ngoài nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện không được các hãng bảo hiểm của nước ngoài chi trả.
Đây là điều đáng tiếc dẫn đến uy tín của bệnh viện bị giảm sút, nguồn dự trữ ngoại tệ bị sụt giảm, đồng thời, người bệnh và người nhà bệnh nhân phải gánh chịu chi phí điều trị lớn.
Giải pháp “giữ chân” người bệnh
Trước những khó khăn, thách thức còn tồn tại, để tạo sức hút cho ngành y tế, đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030” sẽ được triển khai với kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu hút du lịch – sức khỏe - y tế - nghỉ dưỡng trong 20 năm tới, đóng góp cho ngân sách quốc gia, tạo động lực nâng cấp hệ thống bệnh viện, hướng tới nền “công nghiệp y tế” trong tương lai.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai (ảnh: BVCC)
|
Đề án được thực hiện nhằm nâng cao toàn diện chất lượng lâm sàng, chất lượng dịch vụ của bệnh viện; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao tại Việt Nam của người có khả năng chi trả, đồng thời, thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh.
Dự kiến, đề án sẽ được triển khai trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa,…
Trong giai đoạn 1, đề án sẽ triển khai tại Bộ Y tế, các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan có liên quan; Sở Y tế thuộc các tỉnh/thành phố du lịch trọng điểm; bệnh viện đầu ngành trực thuộc Bộ Y tế; các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc các thành phố du lịch trọng điểm; bệnh viện tư nhân chất lượng cao. Ở giai đoạn 2, đề án sẽ được thực hiện tại bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố có nhu cầu; Bệnh viện Quân y trực thuộc các Bộ, ngành; phòng khám tư nhân, cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân,…
Theo TS. Dương Huy Lương, khi đề án chính thức được triển khai, các chính sách, hoạt động mang tính đồng bộ, liên ngành không chỉ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các bệnh viện, giảm “chảy máu ngoại tệ” mà còn đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách quốc gia, góp phần nâng cao uy tín của ngành y tế, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu