Ngành giao thông kêu gọi xã hội hóa đường sắt, hàng hải

"Đường sắt phát triển chậm so với sự thay đổi của đất nước. Hơn lúc nào hết việc đổi mới toàn diện đường sắt là hết sức cấp thiết", Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Ngành giao thông kêu gọi xã hội hóa hạ tầng đường sắt.
Ngành giao thông kêu gọi xã hội hóa hạ tầng đường sắt.

Tại cuộc họp Bộ Giao thông sáng 22/1, ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Đường sắt cho biết, cơ quan này đã xây dựng các danh mục chương trình, dự án đường sắt xây dựng mới để kêu gọi xã hội hóa.

Với hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có, Cục đề xuất thí điểm nhượng quyền quản lý, kinh doanh kho bãi ga Yên Viên; kêu gọi đầu tư nhà ga, kho bãi của các ga Sóng Thần, Bỉm Sơn, Giáp Bát, Lào Cai, Đồng Đăng, khu ga Cái Lân và bãi cảng Cái Lân, ga Xuân Giao. 

Về hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt xây dựng mới, ngành sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư dự án đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; tuyến đường sắt Biên Hòa -Vũng Tàu.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đề xuất 8 hạng mục kêu gọi xã hội hóa đầu tư như dự án kinh doanh, xây dựng trung tâm đường sắt logistics, cụm kho bãi ga Yên Viên; Dự án cải tạo, mở rộng ga Xuân Giao A; Dự án đầu tư nâng cấp và cải tạo ga hàng hóa Đồng Đăng.

Theo ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, hạ tầng đường sắt là cũng là tài nguyên nhưng xưa nay chỉ duy trì bằng vốn nhà nước, không khai thác, huy động ngoài ngân sách... Do vậy, việc kêu gọi xã hội hóa đường sắt là vấn đề rất bức thiết.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận xét, đường sắt để trì trệ quá lâu, một phần do vốn đầu tư hạn hẹp và các cấp quản lý nghiêng về đầu tư cho đường bộ nhiều hơn vì khai thác được ngay, thời gian ngắn trong khi đường sắt phải làm tổng thể và dài hạn. Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt chậm đổi mới, phát triển chậm hơn so với sự thay đổi chung của đất nước. Đây là thời điểm ngành đường sắt phải đổi mới toàn diện, mạnh mẽ để phát triển tương xứng với tiềm năng.

Bộ trưởng yêu cầu cơ quan hoàn chỉnh Chiến lược đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm trình Thủ tướng phê duyệt. Cùng với đó là khẩn trương công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa, gồm cả kho bãi, nhà ga, đoàn tàu, tập trung vào tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng….; làm rõ lộ trình đầu tư hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam; khẩn trương nghiên cứu các tuyến TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, Hà Nội - Vinh trên cơ sở nghiên cứu của JICA.

“Vấn đề là cơ chế đầu tư đường sắt phải công khai, minh bạch, rõ ràng mới có sự hấp dẫn”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Cục Hàng hải cũng đưa ra kế hoạch huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường biển. Theo đó, năm 2015-2020, ngành sẽ huy động ngoài ngân sách khoảng 43.000 tỷ đồng vốn đầu tư (tương ứng 41 dự án).

Cụ thể, có 10 dự án luồng tuyến vận tải hàng hải; 19 dự án cảng biển, bến cảng; 3 dự án hệ thống hàng hải điện tử; 9 công trình neo đậu, tránh trú bão... sẽ được đầu tư từ vốn ngoài ngân sách. Dự kiến việc công bố danh mục dự án để kêu gọi đầu tư sẽ được thực hiện trong tháng một này.

Cục Hàng hải cũng rà soát, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, dự kiến trong quý II/2015 sẽ hoàn thành các thông tư, quyết định liên quan mức phí bảo đảm hàng hải đối với luồng hàng hải do doanh nghiệp đầu tư, khai thác; phí, lệ phí hàng hải...

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá, việc xã hội hóa đầu tư lĩnh vực hàng hải thời gian qua đã làm rất tốt, tỷ trọng đầu tư tư nhân đạt 75-80%. Ông nhấn mạnh, Bộ Giao thông sẽ "nói không với đầu tư cảng bằng ngân sách" và trải thảm đỏ cho tư nhân trong và ngoài nước. Một số dự án đang triển khai, Bộ trưởng đề nghị đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng, đặc biệt chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng

                                                                      Theo Vnexpress