“Ngán” tàu vỏ thép, ngư dân quay lại với tàu vỏ gỗ?

VietTimes -- "Nhà cũng có tàu vỏ thép, nhưng "ngán" quá vì quá nhiều lỗi, nên em quyết định đóng tàu vỏ gỗ để vươn khơi", anh Lê Văn Khánh, chủ tàu cá vỏ gỗ khủng ĐNa 90685 TS chia sẻ.
“Ngán” tàu vỏ thép, ngư dân quay lại với tàu vỏ gỗ?
“Ngán” tàu vỏ thép, ngư dân quay lại với tàu vỏ gỗ?

Giấc mơ trên những con tàu lớn vươn biển Hoàng Sa!

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề biển ở Đà Nẵng, Lê Văn Khánh kế nghiệp cha (ông Lê Mến, một lão ngư danh tiếng của đất Đà Thành) vươn khơi, bám biển từ nhỏ. Những kinh nghiệm đi biển được người cha trao lại từ những ngày còn là cậu bé.

Cùng cha vươn khơi bám biển, rồi tự mình điều khiển những con tàu hướng thẳng vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt. Càng làm chủ ngư trường, Lê Văn Khánh luôn ý thức được khao khát của mình khi mỗi lần được vươn khơi, làm chủ trên những con tàu mạnh mẽ, uy lực, góp phần đóng góp cho quê hương. 

Đà Nẵng, ngư dân, tàu cá, vỏ thép, vỏ gỗ, đóng tàu, ngán, VietTimes
Tàu hậu cần nghề cá vỏ gỗ ĐNa 90685 TS có công suất gần 1.400CV, cùng kích thước lớn nhất miền Trung được ngư dân Đà Nẵng đóng và hạ thủy

"Em theo cha từ nhỏ, nên hiểu được nghề biển, biết được cái khổ của ngư dân khi vươn khơi. Tàu cá nhỏ, đánh được mẻ cá là phải quay về vì không còn chỗ chứa. Nhiều lúc đánh trúng mẻ cá lớn nhưng đành tháo lưới do tàu không đủ sức. Trong khi đó phí tổn đi về, ăn ở chiếm gần như toàn bộ phí tổn ra khơi của mỗi chuyến biển.

Sau nhiều năm sinh kế cùng cha, hiểu được nổi niềm này nên gia đình cứ dành dụm được tiền là nâng công suất tàu. Từ nâng cấp cho đến đóng mới, chiếc sau lớn hơn chiếc trước. Cứ như vậy, đến nay gia đình em đã sở hữu khá nhiều tàu công suất lớn", Lê Văn Khánh chủ tàu hậu cần ĐNa 90685 TS tâm sự.

"Nhưng lớn thế nào cũng vậy, cứ đánh đầy khoang là phải quay về, do sức chứa có hạn, nhu yếu phẩm cạn kiệt. Những lúc nhìn thấy cá mà ngậm ngùi tiếc nuối. Đó là chưa nói gặp thời tiết xấu, tàu oằn mình với biển. Và mỗi khi như vậy, suy nghĩ giá như tàu có sức chứa lớn hơn, to hơn, ở lại biển lâu hơn...lại cứ thôi thúc.

Chưa dừng lại đó, ngư dân đánh bắt được con cá đã khó, về đến bến thì bán cá cũng khổ. Lúc được lúc mất, nên đời sống ngư dân vẫn mãi như vậy. Thấu hiểu nổi khổ này nên gia đình luôn ấp ủ ước mơ đóng tàu công suất lớn, rồi làm sao cá về bán được giá, dịch vụ hậu cần sao cho có lợi...", anh Lê Văn Khánh, chủ tàu hậu cần ĐNa 90685 TS chia sẻ.

Khác với người anh trai của mình là Lê Văn Sang, dù nhà làm nghề biển nhưng Sang lại mãi đam mê kinh doanh, không hạm chuyện biển giã. Rồi như định mệnh, một ngày năm 2010, Lê Văn Sang (anh trai Lê Văn Khánh) rời ngành quảng cáo về với biển, cùng Khánh kế nghiệp cha càng cho Khánh thêm động lực. 

Thế hệ trẻ luôn có cách làm khác. Khác với thế hệ cha chú vươn khơi bằng nghề truyền thống thì Sang và Khánh lại ấp ủ giấc mơ vươn theo cách của riêng mình càng giúp Khánh vững tâm. "Sau những kinh nghiệm đúc kết đi biển, anh Sang muốn được kinh doanh trên biển. Đó là bán đá, dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm và thu mua luôn hải sản của các thuyền đang đánh bắt ngoài khơi về bờ bán. Hồi ấy, em đánh bắt, anh Sang ra tiếp tế rồi lấy cá về bán, công việc cứ vậy ăn nên làm ra. Và bây giờ, dù ngư dân có tàu cá hiện đại, nhưng dịch vụ hậu cần thu mua lại thiếu, nên anh em bàn nhau đóng thêm tàu hậu cầu kiêm nghề câu để vươn khơi", Lê Văn Khánh nói.

Đà Nẵng, ngư dân, tàu cá, vỏ thép, vỏ gỗ, đóng tàu, ngán, VietTimes
Tàu sử dụng động cơ tàu biển mới, hiện đại và công suất lớn

Nghĩ là làm, một loạt tàu hậu cần lớn "đình đám" của Đà Nẵng như: ĐNa 90444TS, ĐNa 90424TS...ra đời và nay có thêm ĐNa 90685 TS. Thậm chí Sang Fish, con tàu cá vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng với trị giá chục tỷ đồng cũng ra đời như lời giải cho ước mơ vươn khơi của anh em Lê Văn Sang và Lê Văn Khánh.

"Ngán" tàu vỏ thép quay về vỏ gỗ!

Điều làm nên sự khác biệt của Khánh là mạnh dạn đóng con tàu vỏ gỗ lớn. Và có thể là lớn nhất miền Trung hiện nay trong khi những như dân khác, thậm chí người anh trai của mình vẫn còn theo đuổi những con tàu vỏ thép lớn.

ĐNa 90685 TS có chiều dài đến 27m, rộng đến 7,2m cùng công suất lên đến gần 1.400CV,...lớn nhất khu vực miền Trung ra đời khiến ai cũng nhạc nhiên.

Đà Nẵng, ngư dân, tàu cá, vỏ thép, vỏ gỗ, đóng tàu, ngán, VietTimes
"Ngán" tàu vỏ thép, ngư dân Đà Nẵng lại hạ thủy tàu vỏ gỗ khủng?

Khi được hỏi, vì sao không đóng tàu cá vỏ thép như anh trai Lê Văn Sang, thì Lê Văn Khánh chia sẻ: "Bài học của anh Sang còn đó, dù tàu vỏ thép lợi hơn khi vận hành, thậm chí an toàn hơn. Nhưng hiện tại có quá nhiều lỗi nên cả nhà quyết định đóng tàu gỗ mà không đóng tàu vỏ thép".

"Con tàu gỗ ĐNa 90685 TS em mới đóng chẳng thua kém gì vỏ thép. Tàu lớn, công suất mạnh, lại rẻ chỉ bằng nửa tàu vỏ thép nên em quyết định đóng gỗ chứ không dùng thép", anh Khánh chia sẻ thêm.

Cũng theo anh Khánh, việc không chọn tàu vỏ thép do nhiều nguyên nhân. Trước hết là tàu cá vỏ thép không phù hợp với điều kiện đánh bắt của ngư dân từ vận hành đến khai thác. Trong khi đó, những thiết kế tàu vỏ thép hiện tại bộc lộ lỗi quá nhiều như: thiếu ổn định, rung lắc khi gặp sóng,...

"Muốn thay lại rất đổi rất khó và nhiêu khê. Trong khi đối với tàu vỏ gỗ thì luôn có sẵn và ở bất cứ xưởng đóng tàu nào cũng có thể sửa chữa được nên sau khi cân nhắc, gì cũng không bằng vỏ gỗ", anh Khánh nói.

Cái khó thứ hai là dù tàu thép an toàn, vận hành tốt, nhưng chi phí sửa chữa, bảo dưỡng lên đà cao hơn tàu gỗ cũng như thời gian nằm bờ dài hơn, lâu hơn, nên không mấy mặn mà.

"Bất tiện tiếp theo là khi thu mua trên biển, nhất định phải cập mạn tàu cá ngư dân. Trong khi tàu ngư dân là vỏ gỗ, tàu mình vỏ thép, cập không cẩn thận, gặp sóng to, tàu mình va là tàu gỗ vỡ ngay. Nên ngư dân họ không dám cập mạn với mình. Mà không cập mạn được trên biển thì mua bán được gì!", anh Khánh phân tích.

Đà Nẵng, ngư dân, tàu cá, vỏ thép, vỏ gỗ, đóng tàu, ngán, VietTimes
Tàu vỏ gỗ đáp ứng được các nhu cầu của ngư dân khi vươn khơi nên ít ngư dân mặn mà với tàu vỏ thép?

Một lý do khá quan trọng nữa khiến anh Khánh từ chối mẫu thiết kế vỏ thép là chưa có thiết kế tàu hậu cần vỏ thép nào đáp ứng yêu cầu của anh. Nhất là thói quen đi biển của ngư dân khi quen tàu gỗ truyền thống khiến ngư dân ngỡ ngàng, thao tác vụng về.

"Lý do quyết định nữa là chi phí đóng tàu vỏ thép quá lớn, cho dù có hỗ trợ thì ngư dân cũng phải trả nên sau khi bàn bạc, thảo luận, cả nhà cùng quyết định đóng tàu gỗ. Trước khi đóng con tàu này, mấy anh em có đi học hỏi tham khảo khắp nơi và quyết định đóng tàu vỏ gỗ.

Sau hơn 5 tháng khởi công đóng tại âu thuyền Thọ Quang, sáng ngày 2/10, tàu cá ĐNa 90685 TS được hạ thủy trong niềm vui của gia đình và địa phương. Và dự kiến vài ngày nữa, sau khi đã hoàn thiện, tàu ĐNa 90685 TS sẽ vươn khơi, mở biển lấy may mắn", anh Lê Văn Khánh nói.

Cùng niềm vui với người em trai, anh Lê Văn Sang chia sẻ: "Mừng cho Khánh và hy vọng cậu ấy sẽ có những chuyến tàu cá bội thu, như con tàu hậu cần vỏ gỗ ĐNa 90444TS mà em đã đóng từ năm 2012".