Ngân hàng thừa tiền, 'không thèm' vay mượn trên thị trường mở

Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu xuống dưới 2%/năm, thậm chí các hoạt động bơm hút tiền cũng vắng bóng trên thị trường mở cho thấy các nhà băng đang dồi dào tiền và chưa đẩy được mạnh ra thị trường.
Hiện thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào - Ảnh: Ngọc Thắng
Hiện thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào - Ảnh: Ngọc Thắng

Báo cáo kinh tế vĩ mô và thị trường của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố ngày 9.11 cho thấy trong tháng 10, nghiệp vụ thị trường mở rơi vào trạng thái trầm lắng khi chỉ có duy nhất tuần đầu tháng Ngân hàng Nhà nước thực hiện hút ròng 650 tỉ đồng, còn lại 3 tuần sau không có hoạt động bơm hút tiền nào.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã sụt giảm mạnh so với tháng 9. Mức lãi suất trung bình cho kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần giảm từ 1 - 1,2%, lần lượt về mức 2,82%/năm, 3,1%/năm và 3,37%/năm. Đặc biệt, trong tuần cuối của tháng 10, lãi suất thậm chí giảm khá sâu, chỉ còn dưới 2%/năm.

Đối với nghiệp vụ tín phiếu, hoạt động phát hành mới không thật sự sôi động khi chỉ có 20.000 tỉ đồng được phát hành trong khi lượng tín phiếu đáo hạn là 66.668 tỉ đồng. Như vậy đã có 46.668 tỉ đồng quay trở lại hệ thống ngân hàng trong tháng qua thông qua kênh tín phiếu.

Diễn biến giảm của lãi suất liên ngân hàng cùng hoạt động hút ròng qua kênh OMO (thị trường mở) và tín phiếu với giá trị tương đối lớn (khoảng 47.000 tỉ đồng) cho thấy trạng thái dồi dào của thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng trong tháng 10. 

Nhiều khả năng tốc độ tăng chậm lại của tín dụng trong tháng 10 (chỉ tăng 0,37% so với tháng 9) đã giúp giải tỏa áp lực cho vấn đề thanh khoản. 

Đây cũng có thể là một phần nguyên nhân giúp hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ sôi động trở lại với tổng giá trị đấu thầu thành công là 11.554 tỉ đồng, gấp gần 5 lần so với tháng 9, trong đó đấu thầu ở kỳ hạn 5 năm đạt tỷ lệ trúng thầu 100%

Theo Thanh Niên