Thấy gì từ lô trái phiếu 150 tỷ đồng mới phát hành của Văn Phú - Invest?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa vay nợ hơn 1.510 tỷ đồng trong quý I/2024, Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest tiếp tục phát hành trái phiếu để hút vốn.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest (mã CK: VPI) vừa hoàn tất phát hành lô trái phiếu VPIH2426001, với khối lượng 1.500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị phát hành 150 tỷ đồng.

Lô trái phiếu VPIH2426001 được Văn Phú – Invest phát hành và hoàn tất trong ngày 27/6/2024, kỳ hạn 24 tháng, tức đáo hạn vào ngày 20/6/2026.

Lô trái phiếu VPIH2426001 được trả lãi 6 tháng/lần với mức lãi suất 11%/năm cho 2 kỳ đầu tiên. Lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo được thả nổi và được tính bằng lãi suất tham chiếu + 4% nhưng không thấp hơn 9,5%/năm.

lô trái phiếu VPIH2426001.png
Lô trái phiếu VPIH2426001 là lô trái trái phiếu duy nhất mà Văn Phú – Invest phát hành thành công từ đầu năm tới nay.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu VPIH2426001 là 8 triệu cổ phiếu VPI. Tổ chức đăng ký, lưu ký là Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam; tổ chức liên quan là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS); đối tượng chào bán là cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp.

Lô trái phiếu VPIH2426001 được Văn Phú – Invest phát hành sau khi doanh nghiệp này vay nợ hơn 1.510 tỷ đồng trong quý I/2024, do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư âm nặng.

Cụ thể, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất quý I/2024, tại thời điểm 31/3/2024, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Văn Phú – Invest âm hơn 485 tỷ đồng (cùng kỳ dương gần 188 tỷ đồng); dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng ghi nhận âm hơn 277,2 tỷ đồng (cùng kỳ âm 50 tỷ đồng).

Do đó, Văn Phú – Invest phải gia tăng đi vay để bù đắp dòng tiền thiếu hụt. Trong quý đầu năm, doanh nghiệp đã vay thêm hơn 1.510 tỷ đồng, đồng thời Văn Phú – Invest cũng chi hơn 366 tỷ đồng để chi trả nợ gốc.

Kết quả nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương gần 1.144 tỷ đồng, nên dòng tiền của Văn Phú – Invest ghi nhận dương 381,6 tỷ đồng. Theo đó, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp đạt mức 573 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2024.

Về tình hình hoạt động kinh doanh, trong quý đầu năm 2024, Văn Phú – Invest ghi nhận mức doanh thu thuần 126,5 tỷ đồng, giảm tới 85% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn hàng hoá, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 40,2 tỷ đồng.

Văn Phú Invest.jpg
Nợ vay tài chính hơn 6.500 tỷ đồng, Văn Phú – Invest vừa có thêm 150 tỷ đồng trái phiếu.

Theo giải trình, trong quý đầu năm, công ty mới bắt đầu bàn giao các sản phẩm thuộc dự án bất động sản tiềm năng tại Bắc Giang, còn các dự án khác vẫn đang triển khai, chưa bàn giao nên doanh thu sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhờ bán công ty con – Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn (chủ đầu tư dự án Vlasta Sầm Sơn – Thanh Hóa), doanh thu tài chính của Văn Phú – Invest tăng 4,8 lần so với cùng kỳ, đạt 176 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí và thuế, Văn Phú – Invest ghi nhận mức lãi sau thuế 70 tỷ đồng trong quý I/2024, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2024, Văn Phú - Invest đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 2.775 tỷ đồng, tăng 48%, nhưng mục tiêu lợi nhuận chỉ ở mức 350 tỷ đồng, thấp hơn 22% so với thực hiện năm 2023 trước đó.

Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Văn Phú – Invest đạt 11.932 tỷ đồng, giảm 4,7% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu giảm 6% so với đầu năm, xuống còn 2.540 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản. Ngược lại, lượng tiền và khoản tương đương tiền tăng đột biến gấp 3 lần lên mức 573 tỷ đồng do tăng cường vay nợ.

Cuối quý I/2024, hàng tồn kho của Văn Phú – Invest đạt mức 3.746 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản, chủ yếu là bất động sản dở dang tại các dự án: The Terra Bắc Giang (1.508 tỷ), Vlasta Thủy Nguyên (1.765 tỷ), Song Khê – Nội Hoàng (206 tỷ)…

Tài sản dở dang dài hạn ở mức 2.432 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản, chủ yếu nằm ở các dự án BT đường nối từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa – Quốc lộ 1, TP. Thủ Đức (TP.HCM) và các dự án bất động sản như: Cồn Khương – Cần Thơ (307 tỷ đồng), Lộc Bình – Thừa Thiên Huế (140 tỷ đồng), Grandeur Palace Mỹ Đình (78 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, tính đến ngày 31/3/2024, nợ phải trả của Văn Phú – Invest đạt mức gần 7.895,7 tỷ đồng, giảm 7,8% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên nợ vay tài chính của doanh nghiệp đạt mức 6.502,4 tỷ đồng, tăng tới 21,3% (tương đương tăng 1.144 tỷ đồng) so với hồi đầu năm. Trong đó, Văn Phú – Invest có khoản vay dài hạn đến hạn phải trả là 998,7 tỷ đồng và 394 tỷ đồng trái phiếu đến hạn đáo hạn.

Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest có tiền thân là Chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh, được thành lập vào năm 2003.

Cổ phiếu của Văn Phú - Invest được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ năm 2018 với mã VPI. Công ty hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn đầu tư, xây dựng, phát triển và kinh doanh bất động sản.

Hiện số vốn điều lệ của Văn Phú – Invest 2.420 tỷ đồng. Trong đó Chủ tịch HĐQT Tô Như Toàn là cổ đông lớn nhất nắm 25% vốn. Bên cạnh đó, vợ và con gái ông Toàn cũng đều nắm 2,5% vốn.

Ngoài ra, ông Toàn còn gián tiếp sở hữu cổ phần của Văn Phú – Invest thông qua CTCP Đầu tư THG Holdings. Em trai ông Toàn là ông Tô Như Thắng – Phó Chủ tịch HĐQT công ty cũng đang nắm 4,83% vốn.