Phác thảo hệ sinh thái KDI Holdings
Như đề cập ở bài viết trước, thời gian qua, KDI Holdings gây xôn xao thị trường bất động sản khi dòng sản phẩm căn hộ biển mang thương hiệu “Flex Home” tại dự án Libera Nha Trang do công ty này làm chủ đầu tư ghi nhận lượng booking cao gấp nhiều lần giỏ hàng hiện hữu.
Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, trải qua nhiều năm hoạt động, KDI Holdings đã phát triển được một hệ sinh thái hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, giáo dục,… Trong đó, pháp nhân lõi là Công ty Cổ phần Đầu tư KD (KD Investment) đang sở hữu 4 công ty con và 1 công ty liên kết.
Cụ thể, 4 công ty con gồm: Công ty TNHH Đầu tư Champa (sở hữu 100%), Công ty Cổ phần Giáo dục KDI (sở hữu 89,31%), Công ty Cổ phần Vega City (sở hữu 96,93%) - đã được nhắc đến ở bài trước, và Công ty Cổ phần Đầu tư KD Phú Quốc (sở hữu 96,93%). Công ty liên kết là Công ty Cổ phần Liên Sơn (sở hữu 35%).
Về Đầu tư Champa, doanh nghiệp này thành lập năm 2017, ban đầu do ông Kiều Anh Kiệt làm Chủ tịch kiêm Giám đốc, sau chuyển giao vị trí này cho bà Kiều Tuệ Mẫn, con gái ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch KDI Holdings. Tính đến thời điểm tháng 3/2024, vốn điều lệ của công ty đạt 2.400 tỷ đồng.
Đầu tư Champa hiện đang được cấp tín dụng bởi Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), tài sản bảo đảm là 24,6 triệu cổ phần trị giá 246 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Vega City.
Còn Giáo dục KDI được thành lập năm 2017 với vốn điều lệ 5,5 tỷ đồng. Trải qua 4 lần tăng vốn, tính đến tháng 8/2022, vốn điều lệ của công ty đạt 59,1 tỷ đồng.
Với KD Phú Quốc, doanh nghiệp này được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần GS Holdings (đại diện ông Kiều Hữu Hoàn) góp 30%, KD Investment (đại diện ông Hồ Thái An) góp 69% và Trần Quang Khang góp 1%.
Đáng chú ý nhất là Công ty Cổ phần Liên Sơn do KD Investment sở hữu 35% vốn điều lệ. Trước đây vốn điều lệ của công ty là 36,45 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Nguyễn Xuân Vang (19,96%), Vương Quốc Quân (28,04%) và Phạm Hải Quang (52%). Tuy nhiên sau đó các cổ đông này đã thoái hết vốn.
Dữ liệu cho thấy, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật tại Công ty Liên Sơn là ông Lương Phan Sơn - nhân vật tiếng tăm của giới tài chính. Vị doanh nhân sinh năm 1963 là tầng lớp tri thức trở về từ Đông Âu, từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)…
Hồi tháng 4 năm nay, thị trường xôn xao khi ông Lương Phan Sơn mua lại 95% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Capitaland Tower và trở thành Chủ tịch HĐQT tại đây. Capitaland Tower được biết đến với vai trò nhà đầu tư dự án công trình tòa nhà văn phòng, thương mại - dịch vụ cao 55 tầng trong khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son (dự án Landmark 60 Bason, hay The Sun Tower) trên khu đất có diện tích 6.042 m2. Dự án này hiện do một doanh nghiệp có tiếng khác phát triển, đang xây dựng những tầng cuối cùng.
Trở lại với Công ty Liên Sơn, doanh nghiệp này liên danh cùng KDI Holidings phát triển dự án Vega City Vân Đồn có quy mô gần 474 ha, tổng giá trị đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng với mục tiêu tạo lập lại thương cảng Vân Đồn.
Kinh doanh kém hiệu quả
Theo dữ liệu của VietTimes, KD Investment có quy mô tổng tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, trong giai đoạn 2022 – 2023, tổng tài sản của công ty đã tăng từ 2.538 tỷ đồng lên 2.641 tỷ đồng, tương đương tăng 4%.
Cơ cấu tài sản cho thấy rõ nét tính chất “holding” của KD Investment với 98,4% tài sản năm 2022 và 94,8% tài sản năm 2023 nằm ở khoản đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là đầu tư vào các công ty con.
Không có nhiều chuyển biến trong bức tranh tài sản của KD Investment trong 2 năm qua. Điểm đáng chú ý nhất có lẽ là sự gia tăng mạnh mẽ của các khoản phải thu ngắn hạn, từ 106 triệu đồng lên 126 tỷ đồng, tương đương tăng 1.189 lần; riêng khoản phải thu về cho vay là 45 tỷ đồng. Ngược lại, giá trị hàng tồn kho giảm từ 22 tỷ đồng xuống 0 đồng.
Ngoài ra, công ty duy trì lượng tiền mặt rất thấp: năm 2022 là 3 tỷ đồng, năm 2023 chỉ 700 triệu đồng.
Bảng nguồn vốn cho thấy tuyệt đại đa số tài sản của KD Investment được hình thành từ vốn chủ sở hữu, với tỷ lệ 98% năm 2022 và 99,7% năm 2023. Trong giai đoạn này, vốn chủ sở hữu cũng đã tăng 5,8%.
Nợ phải trả rất thấp và giảm mạnh trong cùng giai đoạn, từ 50 tỷ đồng xuống 7 tỷ đồng, tương đương giảm 86%. Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ, khoản nợ thuế và các khoản phải nộp nhà nước lại tăng mạnh, đến 2023 đã đạt 4,8 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, năm 2022, KD Investment không phát sinh doanh thu thuần, trong khi hoạt động tài chính chỉ mang về 6,6 triệu đồng. Kết quả là công ty lỗ trước thuế 16,7 tỷ đồng, chủ yếu do gánh nặng chi phí quản lý.
Bước sang năm 2023, tình hình có cải thiện hơn, khi hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ mang về 73 tỷ đồng, còn hoạt động tài chính mang về 42 tỷ đồng. Khấu trừ các loại chi phí, công ty có lãi trước thuế 74 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, khoản lãi trong năm 2023 cũng chỉ “xoa dịu” phần nào khoản lỗ lũy kế khổng lồ của công ty. Tại thời điểm kết thúc năm 2023, công ty vẫn đang lỗ lũy kế tới 506 tỷ đồng. Điều này cho thấy trong suốt một thời gian dài, KD Investment đã lâm vào cảnh liên tục thua lỗ.
Một điều cũng khá đáng chú ý khác khi quan sát bức tranh kinh doanh trong giai đoạn trên của doanh nghiệp là nguồn thu từ hoạt động tài chính không lớn, bất chấp công ty đã dành đại đa số tài sản để đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết và các đơn vị khác. Sự kém hiệu quả của các khoản đầu tư này cho thấy chiến lược đầu tư đang tồn tại vấn đề.
Xét về dòng tiền, năm 2023, KD Investment âm dòng tiền kinh doanh tới 57 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu và giảm các khoản phải trả. Dòng tiền đầu tư cũng âm nên công ty phải cân đối dòng tiền hoạt động bằng việc tăng vốn (tăng 71 tỷ đồng). Trước đó, năm 2022, để cân đối dòng tiền, công ty đã phải đi vay nợ.
Những biểu hiện này ít nhiều cho thấy, KD Investment không thực sự hoạt động mạnh mẽ trong các năm qua.