Cụ thể, Moody's Investors Service vừa nâng bậc xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn và xếp hạng nhà phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank), và Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) từ B2 lên B1, với triển vọng từ tích cực lên ổn định.
Tuy nhiên, Moody’s đã giữ nguyên xếp hạng tiền gửi ngoại tệ của 3 NH này ở mức B2 bởi hạn chế trần xếp hạng tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam (đang ở mức B2).
Bên cạnh đó, hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng nâng mức xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) của ACB, MBBank, Techcombank từ B2 lên B1.
Đối với ACB, Moody’s cho rằng việc thăng hạng BCA phản ánh chất lượng tài sản được cải thiện, sau quá trình giải quyết tốt các khoản cho vay có vấn đề của nhóm 6 công ty liên quan đến cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên).
Tỷ lệ nợ xấu của ACB đã giảm từ 2,99% vào cuối năm 2016 xuống 0,95% vào cuối năm 2017, chủ yếu nhờ việc bán 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Tương tự, Moody’s đánh giá việc nâng BCA từ B2 lên B1 của MBBank do nguyên nhân chất lượng tài sản được cải thiện, cũng như kỳ vọng cải thiện chỉ số ROA của NH vào năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đã giảm từ 4,7% năm 2016 xuống 2,9% năm 2017, nhờ việc bán khoản nợ xấu có trị giá 3.400 tỷ đồng cho VAMC.
Moody's đưa ra dự báo chất lượng tài sản của ACB và MB Bank sẽ duy trì ổn định trong 12-18 tháng tới, nhờ sự cải thiện của môi trường hoạt động.
Riêng với Techcombank, việc nâng hạng BCA cho thấy sự cải thiện về hệ số thanh toán nợ, vốn, chất lượng tài sản và lợi nhuận. Theo Moody’s, tỷ lệ vốn lõi của ngân hàng (TCE) trên tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro (RWA) đã tăng từ 9% năm 2016 lên 14,5% năm 2017, qua đó, đưa Techcombank trở thành ngân hàng có dự phòng vốn lõi lớn nhất trong số 16 ngân hàng được Moody's xếp hạng tại Việt Nam.
Ngoài ACB, MBBank và Techcombank, Moody’s đã giữ nguyên xếp hạng phát hành và tiền gửi nội – ngoại tệ dài hạn của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ở mức B2, nhưng nâng xếp hạng BCA từ B3 lên mức B2 nhờ mức lợi nhuận cao và vốn đệm được cải thiện.