Hàng loạt ngân hàng đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý I/2015. Tuy nhiên, số nhà băng có lợi nhuận gia nhập “câu lạc bộ ngàn tỷ” trong 3 tháng đầu năm không nhiều.
Lác đác ngân hàng có lợi nhuận “ngàn tỷ”
Đến thời điểm này hầu hết các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2015, nhưng số nhà băng đạt lợi nhuận “ngàn tỷ” chỉ đếm trên đầu ngón tay và vẫn nằm ở số nhà băng thương mại cổ phần lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV…
Đứng “đầu bảng” trong số những “ông lớn” ngân hàng có lợi nhuận thuộc nhóm “câu lạc bộ ngàn tỷ” là BIDV, khi nhà băng này báo lãi sau thuế là 1.865 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015. Mức lãi này của BIDV đã tăng 2% so với cùng kỳ và hoàn thành 24,5% kế hoạch. Khoản lợi nhuận sau thuế của BIDV tăng là do ngân hàng điều chỉnh các khoản chi phí nội bộ giữa ngân hàng và các công ty con.
Là một trong số ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, theo kết quả kinh doanh quý I/2015 của VietinBank, đến hết 31/3/2015 ngân hàng này có tổng tài sản đạt số dư 646.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng nguồn vốn của Vietinbank đạt 578.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014. Tiền gửi từ dân cư và doanh nghiệp vẫn tiếp tục có xu hướng tăng, tăng 4,5% so với tháng 2/2014 và tăng 2% so với 31/12/2014.
Lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 1.564 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2014. Tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank là 1,5% tương đương với tỷ lệ nợ xấu cùng kỳ năm ngoái.
Cũng thuộc top ngân hàng có lợi nhuận ngàn tỷ, kết quả kinh doanh quý I/2015 cho thấy, sau khi trích lập dự phòng rủi ro 1.517 tỷ đồng Vietcombank còn lãi trước thuế 1.456 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.135 tỷ đồng. So với cùng kỳ, mức lợi nhuận của nhà băng này giảm gần 3%.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, Vietcombank tăng trưởng tín dụng đạt 2,3%, tiền gửi khách hàng tăng 3,34%. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này dù vẫn dưới mức 3% nhưng đã tăng thêm 0,67% so với cuối năm 2014, lên mức 2,97%.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, tuy không có lợi nhuận con số ngàn tỷ, song trước tình hình kinh doanh của khối ngân hàng còn nhiều khó khăn, thì chuyện nhà băng có lãi đã là một cố gắng lớn.
Dự phòng rủi ro tăng mạnh khiến lợi nhuận các ngân hàng ... lùi bước |
Trong số ngân hàng công bố báo cáo tài chính hợp nhất sớm nhất thuộc khối ngân hàng thương mại cổ phần, TPBank cho hay, lợi nhuận lũy kế đến 31/3/2015 của ngân hàng đạt 134 tỷ đồng, tăng tới 12% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, huy động vốn của TPBank tăng gần 11% so với đầu năm và tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý I, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này lên tới 61% so với cùng kỳ 2014.
Cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng là VPBank, khi tổng lợi nhuận trước thuế và sau thuế của ngân hàng lần lượt là 403 tỷ đồng và 313 tỷ đồng, đều gấp đôi kết quả cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31/3/2015, tổng tài sản của VPBank đạt mức 164.641 tỷ đồng, tăng 0,85% so với cuối năm 2014; cho vay khách hàng đạt 84.991 tỷ đồng, tăng 8,4% và tiền gửi khách hàng đạt 111.690 tỷ đồng tăng 3,07%. Đáng chủ ý, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,54% cuối năm 2014 xuống còn 2,17% cuối quý I/2015.
Tuy lợi nhuận lũy kế trước thuế giảm so với cùng kỳ, nhưng mức lãi mà Techcombank đạt được trong 3 tháng đầu năm, 408 tỷ đồng, cũng khiến nhiều ngân hàng khác phải mơ ước. Nhờ cải thiện tỷ lệ margin và tăng trưởng cho vay, thu nhập lãi thuần của Techcombank trong quý I/2015 đạt 1.861 tỷ đồng, tăng 41,87%. So với thời điểm cuối năm 2014, huy động từ tiền gửi khách hàng đạt mức 126.886 tỷ đồng, dư nợ từ cho vay khách hàng đạt 88.720 tỷ đồng với mức tăng tương đối cao 10,48%.
Eximbank cũng cho biết, đến hết quý I/2015 lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thuế của ngân hàng ước đạt 545 tỷ đồng.
Dự phòng tăng kéo lùi lợi nhuận
Lo lắng nợ xấu tăng cao buộc các nhà băng đang phải tăng “quỹ” trích lập dự phòng cho các khoản nợ. Dù là nhà băng có mức lãi cao nhất trong quý I, nhưng riêng khoản trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ của BIDV trong quý I lên tới trên 4.139 tỷ đồng, tăng gần 244 tỷ đồng so với cùng kỳ 2014.
So với thời điểm cuối năm 2014, khoản tiền dành cho trích lập dự phòng của Vietcombank đã tăng gần 1.200 tỷ đồng, lên mức 8.292 tỷ đồng tính tới hết 31/3/2015.
Lý giải cho sự sụt giảm lợi nhuận, lãnh đạo Techcombank cho biết là do chính sách trích lập dự phòng thận trọng và chủ động của ngân hàng. Vì thế, để duy trì được mức lãi từ nay tới cuối năm, lãnh đạo Techcombank tỏ ra quyết tâm thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát tốt chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện chất lượng tài sản. Đồng thời, đổi mới các sản phẩm dịch vụ và chú trọng tăng trưởng cùng với phát triển hệ thống quản lý, quản trị rủi ro vững chắc.
Việc các nhà băng phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro là điều hiển nhiên khi nợ xấu vẫn là nỗi “ám ảnh” thường trực, nhất là khi các nhà băng phải thực hiện đầy đủ quy định phân loại nợ theo quy định tại Thông tư 02 và Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước.
Một trong những nhà băng điển hình “thà chấp nhận lợi nhuận ít để an toàn” là Eximbank, khi năm 2014 ngân hàng này tăng trích lập dự phòng lên tới 3.000 tỷ đồng, khiến khoản lãi thu về chỉ còn vỏn vẹn … 68 tỷ đồng. Khoản trích lập dự phòng của nhà băng này vẫn không ngừng tăng lên trong 3 tháng đầu năm 2015 và Eximbank dự kiến bán thêm 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, đồng nghĩa sẽ phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu nhận lại từ VAMC.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia tài chính ngân hàng, dù các ngân hàng đã tích cực bán nợ xấu cho Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), song việc phải trích lập dự phòng 20%/năm cho các trái phiếu do VAMC phát hành là áp lực khá lớn cho các nhà băng trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Nhưng dù vậy, lãnh đạo các nhà băng đều quả quyết, dù phải hy sinh lợi nhuận thì ngân hàng cũng phải ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro.
Theo Infonet