“Cty đang hoàn thành các thủ tục để chi trả các khoản bồi thường, trợ cấp cho NLĐ. Vụ tai nạn đã qua một năm nên việc làm lại hồ sơ cũng gặp nhiều vấn đề nhưng Cty đang cố gắng giải quyết”, dại diện Cty D.N (Bình Dương) thanh minh về vụ tai nạn lao động của anh Nguyễn Văn Dương - nguyên là công nhân (CN) của Cty.
Cố giấu tai nạn lao động
Anh Dương (SN 1988, quê Hà Tĩnh) làm việc tại Cty D.N bằng HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm. Khi Cty tái ký tiếp HĐLĐ thứ 2 được 5 ngày, trong lúc leo lên mái nhà xưởng để dọn vệ sinh, anh Dương bị ngã dẫn từ trên mái xuống. Vụ tai nạn khiến anh liệt nửa người. Nguyên nhân được anh Dương trình bày là do mái nhà xưởng bị mục, anh lại không có bảo hộ lao động nên rơi xuống. Khi vụ tai nạn xảy ra, Cty đã đưa anh Dương vào bệnh viện điều trị nhưng không lập biên bản tai nạn lao động, không khai báo với cơ quan chức năng. Chi phí điều trị được Cty và BHYT chi trả.
“Hoàn cảnh của em khó khăn quá. Em gái làm CN với lương 4 triệu đồng/tháng, nuôi hai mẹ con em đã không đủ nay lại nuôi thêm một người bệnh nữa nên hoàn cảnh khó khăn vô cùng. Cty lại liên tục gọi em lên để “chốt” HĐLĐ, hứa trả cho 50 triệu đồng rồi bắt em cam kết “không được kiện cáo gì” nhưng em chưa chịu. Làm như vậy thì cuộc đời em coi như hết!”, Dương trình bày. Làm việc với cơ quan BHXH Bình Dương, được biết, Cty D.N tham gia BHXH đầy đủ cho NLĐ, trong đó có cả Dương. Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TPHCM), trường hợp của anh Dương là NLĐ có tham gia BHXH thì khi bị tai nạn lao động, Cty cần khai báo ngay với cơ quan chức năng, lập hồ sơ tai nạn lao động. Tùy theo lỗi của NLĐ hay người sử dụng lao động mà Cty sẽ có khoản bồi thường nhất định. Sau đó, tùy theo tỉ lệ thương tật mà anh Dương sẽ được cơ quan BHXH chi trả trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, anh Dương vẫn được nhận lương.
Bước đầu khi trao đổi qua điện thoại, giám đốc Cty D.N là ông N.V.H nói, PV phải nghe hai phía, NLĐ làm tiền Cty thế nào PV còn chưa biết hết! Tuy nhiên, sau đó, Cty thừa nhận sai và tiến hành làm các thủ tục để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. “Tôi không biết ai tư vấn cho Cty hành xử như vậy, trong khi Cty có đóng BHXH đầy đủ. Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn nhưng khi nó đã xảy ra thì phải làm đúng pháp luật để NLĐ không bị thiệt thòi”, luật sư Lê Bình An - người được Cty D.N ủy quyền giải quyết vụ việc - nói.
Tin người hại mình
Dù biết không đúng pháp luật nhưng vì tin tưởng những đồng nghiệp, tin tưởng Cty mà NLĐ gánh chịu thiệt thòi. Đó là trường hợp của anh Phan Hữu Trí, làm việc tại Cty S.M (Bình Dương). Anh Trí trình bày, anh làm việc tại Cty S.M được gần 5 năm. HĐLĐ cuối cùng anh ký với Cty có thời hạn 2 năm, hết hạn vào năm 2016. Ngày 12.5, anh nộp đơn xin nghỉ phép 12 ngày (từ 13 đến 27.5) để chăm sóc cha bị ngã gãy chân. Đơn của anh được giám đốc chấp thuận qua email nội bộ. Tuy nhiên, vì yêu cầu công việc, ngày 13.5, anh vẫn đến Cty để giải quyết một số việc cần thiết. Đến chiều 14.5, anh Trí đột ngột nhận được điện thoại của ông N nói rằng thừa lệnh giám đốc, yêu cầu anh bàn giao, nghỉ việc ngay lập tức với lý do thấy anh “lảng vảng” gần Cty đối thủ!
“Cty đã quyết cho tôi nghỉ việc, còn gửi mẫu đơn xin nghỉ việc qua email cá nhân (email Cty cấp cho anh Trí đã bị Cty khóa) yêu cầu tôi điền vào. Thấy lãnh đạo Cty đã quyết, tôi phải chấp nhận. Tôi hiểu luật rất rõ là NLĐ được Cty ký HĐLĐ xác định thời hạn, muốn nghỉ việc thì phải báo trước 30 ngày nhưng trường hợp của tôi, trưởng phòng nhân sự yêu cầu phải nghỉ việc ngay lập tức nên phải viết đơn ngày 13.5 và ngày nghỉ việc là 14.5, ngày 15.5 bàn giao”, anh Trí nói. Tin lời trưởng phòng nhân sự, anh Trí đã làm theo và nghỉ việc ngay sau đó. Tuy nhiên, đến ngày 19.5, anh nhận được thông báo với nội dung anh đã vi phạm khoản 2, mục b, Điều 37 Bộ luật Lao động về thời hạn báo trước 30 ngày. Vì lẽ đó, Cty buộc anh Trí phải bồi thường 1 tháng lương!
Theo Lao Động