Nga “vây khốn” Mỹ về chiến lược tại Syria

VietTimes -- Quân đội Syria được Nga hậu thuẫn đang siết chặt vòng vây quanh thành trì chủ chốt của phiến quân ở Aleppo. Đây là một bước ngoặt thực sự tại đất nước đã chìm sâu trong nội chiến 5 năm và chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ Obama cũng đang bị vây khốn.
Nga đang tiến gần thắng lợi mang tính bước ngoặt tại Syria
Nga đang tiến gần thắng lợi mang tính bước ngoặt tại Syria

Theo Politico (Mỹ), một số thủ lĩnh đối lập Syria và các nhà các nhà phân tích cảnh báo rằng trừ phi ông Obama gửi một thông điệp cứng rắn tới tổng thống Nga Vladimir Putin – thậm chí có thể dụng sức mạnh quân sự - Moscow hậu thuẫn chính quyền Bashar Assad sẽ đánh quỵ phe đối lập tồi tệ đến mức các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ ủng hộ sẽ trở nên không thích hợp nữa.

“Không một ai tìm kiếm một cuộc chiến giữa Nga và Mỹ, nhưng Mỹ phải nói đủ rồi. Nga đang hành động như thể chẳng có cường quốc nào cả và chỉ có họ vậy. Chúng ta đã gửi thông điệp gì với tư cách cộng đồng quốc tế cũng như Mỹ tới người Nga? Chủ yếu là các phát biểu chính trị và thông cáo báo chí, nhưng chẳng có nỗ lực nào nghiêm túc”,  Hadi Al-Bahra, một lãnh đạo hàng đầu của liên minh đối lập Syria than thở.

Một nhân vật diều hâu ở Washington còn tuyên bố rằng Nga cần hiểu rằng sẽ phải trả giá đắt cho việc hủy hoại tiến trình hòa bình. Mỹ có thể làm tất thảy, từ tấn công các đơn vị không quân Syria bị cáo buộc không kích dân thường cho tới áp đặt một vùng cấm bay để gửi nhiều vũ khí hơn cho lực lượng “đối lập ôn hòa” để phát đi thông điệp.

Tuy nhiên, chính quyền Obama có vẻ không muốn leo thang tình hình, thậm chí không muốn lên giọng. Và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ can dự sâu vào Syria, nơi lực lượng đặc nhiệm Mỹ tập trung vào cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chứ không phải Assad.

Quân đội Syria được các cuộc không kích của Nga yểm trợ đã nhanh chóng giành được các khu vực ngoại vi Aleppo, cũng như nhiều phần lãnh thổ khác trên khắp đất nước. Cuộc chiến khốc liệt đã gây ra thêm làn sóng người tị nạn đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ và  phe đối lập Syria la lối về các vụ thảm sát và “thanh lọc sắc tộc”. Nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest chỉ bày tỏ lo ngại và nói rằng Mỹ sẽ “tiếp tục yêu cầu Nga chấm dứt bạo lực” chứ không đưa ra được chiến lược mới nào.

Theo Politico, cuộc phản công Aleppo được Nga hậu thuẫn đã làm sụp đổ vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ hồi đầu tháng 1. Vòng đàm phán mới được dự kiến diễn ra vào ngày 25/2 tới nhưng ít có hy vọng thành công. Hiện nay, phương Tây đang ngày càng lo ngại rằng thòng lọng vây hãm Aleppo sẽ làm chia rẽ sâu sắc thêm trong nội bộ phe đối lập Syria, gia tăng căng thẳng giữa đối lập Syria với chính quyền Obama, và rốt cuộc sẽ làm cho Assad càng mạnh thêm. Lực lượng phiến quân IS, Jabhat al Nusra cũng sẽ được hưởng lợi có thể sẽ chiêu mộ được các nhóm phiến quân đối lập thất bại.

Mới đây, ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh rằng tiến trình ngoại giao vẫn sẽ được tiếp tục. Ông còn cho biết Nga đã biểu lộ rất thẳng thắn rằng họ đã chuẩn bị cho một lệnh ngừng bắn, ủng hộ một nghị quyết của Liên hợp quốc về Syria. Tuy nhiên, ông Kerry không nêu ra bất cứ hậu quả tiềm tàng nào Nga phải hứng chịu nếu Moscow tiếp tục chiến dịch quân sự tại Syria.

Siêu tiêm kích Su-35S của Nga đã trực chiến tại Syria
Siêu tiêm kích Su-35S của Nga đã trực chiến tại Syria

Thủ lĩnh đối lập Al-Bahra nói một trong những khả năng Mỹ có thể làm là cho Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) điều quân vào Syria để chiến đấu chống IS, chiếm thật nhiều lãnh thổ hiện không nằm dưới quyền kiểm soát của Assad. Mặc dù chi tiết đề xuất của Saudi Arabia và UAE chưa rõ, lãnh đạo đối lập Syria hy vọng sự hiện diện của quân đội hai nước này với sự trợ giúp của Mỹ sẽ răn đe Nga và Assad. “Ít nhất, chúng ta sẽ phong tỏa một số khu vực lãnh thổ và gửi một thông điệp rõ ràng rằng họ không thể bành trướng”, vị này nói.

Michael Hanna, chuyên gia thuộc Quỹ Thế kỷ cho rằng 8 tháng trước chiến dịch quân sự của Nga, Assad đứng trên bờ vực bại vong. Nga coi đó là một sự leo thang, do đó Moscow đã ra tay can thiệp. Hanna tin rằng, không có lý do để tin rằng Nga sẽ không tiếp tục leo thang nếu như Mỹ không có bất kỳ động thái cứng rắn nào.

Tuy nhiên Jihad Makdissi, một nhân vật đối lập từng phục vụ trong chính quyền Syria trước khi đào tẩu cho rằng, trong khi một số thủ lĩnh đối lập diều hâu có thể muốn thấy Mỹ hành động mạnh hơn tại Syria, nhưng nhiều người thừa nhận Mỹ chỉ có lợi ích giới hạn ở đây. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Qatar và các bên khác cũng đóng vai trò trong cuộc xung đột dù hành động hay không.

Nhưng cũng như giọng điệu của các phương tiện truyền thông phương Tây, Politico cho rằng về dài hạn Nga có thể phải hối tiếc vì đã can dự vào cuộc xung đột Syria. Ý tưởng rẳng Putin tự thể hiện như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán sẽ bị sa lầy tại Syria là một dự báo dài hạn của Obama.

T.N