Ngoại trưởng Kuleba: Ukraine sẽ không bị ép phải đàm phán với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Những nước phương Tây ủng hộ Ukraine cũng tin rằng nước này nên tự đưa ra quyết định, ông Dmitry Kuleba nói.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytry Kuleba (Ảnh: AFP)
Ngoại trưởng Ukraine Dmytry Kuleba (Ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba khẳng định không ai có thể ép buộc Ukraine tổ chức đàm phán hòa bình với Nga. Bình luận của ông được đưa ra khi Kiev ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán với giới lãnh đạo Nga dù đã ban hành lệnh cấm làm như vậy.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình TSN của Ukraine hôm thứ Năm, ông Kuleba đã cung cấp cái nhìn thoáng qua về cuộc đàm phán kéo dài 3 giờ đồng hồ giữa ông với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tuần. Chuyến thăm Trung Quốc của ông Kuleba là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022. Phía Trung Quốc đã liên tục kêu gọi Moscow và Kiev chấm dứt tình trạng thù địch.

Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có thể “đứng về phía Ukraine hay không”, ông Kuleba nhấn mạnh dứt khoát rằng “Trung Quốc sẽ chỉ đứng về phía Trung Quốc”, nhưng nói thêm rằng nước này ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Nhà ngoại giao này cũng nhấn mạnh rằng “không ai thúc ép Ukraine đàm phán vì điều đó là không thể…chúng tôi sẽ tự đưa ra quyết định”, ông giải thích, lập trường mà ông nói cũng được những nước ủng hộ Kiev ở phương Tây chia sẻ.

Theo ông Kuleba, Trung Quốc cũng nỗ lực đạt được “hòa bình công bằng và lâu dài” và không quan tâm đến các giải pháp tạm thời. Tuy nhiên, ông không nói rõ hơn về ý tưởng hòa bình công bằng của Bắc Kinh. “Hãy để việc đó cho các nhà ngoại giao”, ông Kuleba nói.

Chuyến đi của Bộ trưởng Kuleba tới Trung Quốc diễn ra khi Tổng thống Volodymyr Zelensky ra hiệu rằng ông muốn chấm dứt xung đột “càng sớm càng tốt” và sẵn sàng giao tiếp với Nga “cho dù đó là [Tổng thống Vladimir] Putin hay không” ở vị trí lãnh đạo đất nước.

Điều này trái ngược với sắc lệnh của Tổng thống mà ông Zelensky ký vào mùa thu năm 2022, cấm mọi cuộc đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại ở Moscow.

Trung Quốc và Nga tuyên bố “không giới hạn” hợp tác vào đầu năm 2022 và Bắc Kinh vẫn giữ thái độ trung lập kể từ khi bắt đầu xung đột, từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Moscow và kêu gọi đàm phán để chấm dứt tình trạng thù địch. Nga nói rằng sự mở rộng của NATO - điều mà Moscow coi là mối đe dọa hiện hữu - là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Nga luôn sẵn sàng đàm phán với Ukraine nhưng hai bên trước tiên nên quyết định về các chi tiết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng những tín hiệu của ông Zelensky về các cuộc đàm phán hòa bình là không đáng tin cậy và cho biết bà tin rằng phương Tây có ý định tiến hành chiến tranh “cho đến người Ukraine cuối cùng”.