OpenAI vừa giới thiệu phiên bản thử nghiệm của công cụ tìm kiếm được chờ đợi từ lâu mang tên SearchGPT. Công cụ này sẽ trích dẫn nguồn thông tin từ các đối tác kinh doanh, trong đó có News Corp.
SearchGPT có khả năng tóm tắt thông tin từ các trang web, bao gồm cả trang tin tức, và cho phép người dùng đặt các câu hỏi, tương tự như ChatGPT của OpenAI. Các nguồn tin sẽ được liên kết ở cuối mỗi câu trả lời nhằm giúp người dùng dễ dàng kiểm chứng độ xác thực.
Ngoài ra, OpenAI còn phát triển một thanh bên để người dùng có thể xem thêm kết quả và các nguồn thông tin liên quan.
Thị trường công cụ tìm kiếm cho đến thời điểm hiện tại vẫn rất cạnh tranh khốc liệt. Trong năm nay, Google cũng đã tung ra tính năng tìm kiếm AI của riêng mình, tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn web khác nhau. Nhiều công ty AI khác cũng đang tham gia vào cuộc chiến này, bao gồm Perplexity, được hậu thuẫn bởi tỉ phú Jeff Bezos và do một cựu nhân viên của OpenAI thành lập.
OpenAI cho biết họ đã hợp tác với các hãng xuất bản tin tức để xây dựng SearchGPT. Trong những tháng gần đây, đại diện của OpenAI đã trình bày các mô hình tính năng này cho các nhà xuất bản, những người vốn rất lo ngại về việc AI có thể thay đổi phòng tin tức và quá trình thu thập tin tức của họ, trong bối cảnh lưu lượng truy cập trực tuyến giảm.
Các nhà xuất bản lo ngại rằng công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI từ OpenAI hoặc Google sẽ cung cấp câu trả lời hoàn chỉnh dựa trên nội dung tin tức, loại bỏ việc người dùng phải nhấp vào liên kết bài báo và từ đó làm giảm lưu lượng truy cập trực tuyến cũng như doanh thu quảng cáo của họ.
Hiện vẫn chưa rõ SearchGPT sẽ mang tới bao nhiêu lượt truy cập cho các nhà xuất bản. "Chúng tôi mong muốn tìm hiểu thêm về hành vi người dùng" trong quá trình thử nghiệm, một phát ngôn viên của OpenAI cho biết.
Các nhà xuất bản tỏ ra dè chừng trước các quan hệ đối tác công nghệ sau hơn một thập kỷ đối phó với những thay đổi không lường trước từ các công ty công nghệ như Facebook và Google.
Nỗi sợ hãi của họ càng gia tăng khi tháng trước, Perplexity đã sử dụng lại một bài viết của tạp chí Forbes mà mãi đến cuối trang mới đề cập đến nguồn tin. Giám đốc điều hành Aravind Srinivas đã cho rằng vấn đề này là do những “khuyết điểm chưa được giải quyết” của sản phẩm.
Tuy nhiên, nhiều nhà xuất bản vẫn nhìn thấy giá trị trong việc bán quyền truy cập vào tài sản trí tuệ của họ cho các công ty AI, những bên cần một lượng lớn dữ liệu và nội dung để cải tiến hệ thống AI của họ và tạo ra các sản phẩm mới như SearchGPT.
Trong năm qua, OpenAI đã thiết lập quan hệ đối tác với nhiều nhà xuất bản tin tức như Politico, công ty mẹ của Business Insider, Associated Press, Le Monde, Financial Times, và Dotdash Meredith của IAC. Trong một số thỏa thuận đó, OpenAI đã chi hàng triệu USD dưới dạng tiền mặt và tín dụng đám mây cho các nhà xuất bản để đổi lấy quyền đào tạo các mô hình AI mới trên tác phẩm của họ.
Các nhà xuất bản khác, bao gồm New York Times, đã chọn cách đấu tranh tại tòa án, cáo buộc rằng nội dung của họ đã bị sử dụng một cách trái phép để đào tạo các hệ thống của OpenAI. OpenAI cho biết vụ kiện của New York Times là không có cơ sở.
Nhiều cuộc thảo luận giữa OpenAI với các nhà xuất bản tập trung vào cách nội dung tin tức của họ sẽ được sử dụng để trả lời cho các truy vấn. Hôm 25/7, OpenAI cho biết các nhà xuất bản có thể quản lý cách nội dung của họ xuất hiện trong SearchGPT.
Trong một tuyên bố được đưa ra trong thông cáo báo chí của OpenAI, CEO của News Corp, Robert Thomson, cho biết CEO Sam Altman và các lãnh đạo khác của OpenAI hiểu rằng bất kỳ công cụ tìm kiếm nào được hỗ trợ bởi AI cũng đều phải dựa vào “những thông tin chất lượng cao nhất, đáng tin cậy nhất được cung cấp bởi các nguồn uy tín”.
Hiện tại, SearchGPT sẽ được thử nghiệm như một sản phẩm riêng biệt, nhưng cuối cùng OpenAI dự định tích hợp nó vào ChatGPT. Các nhà xuất bản tin tức và nhà sáng tạo sẽ là những người thử nghiệm đầu tiên và OpenAI sẽ cung cấp một danh sách chờ để người dùng tại Mỹ có thể đăng ký trải nghiệm công cụ này.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu