Theo các nhà phân tích phương Tây, các lệnh trừng phạt Nga sẽ chưa thể dỡ bỏ do đòi hỏi phải thực thi đầy đủ nhiều điều kiện: Thỏa thuận hòa bình Minsk-2, các vụ khiêu khích tại Donbass phải được ngăn chặn, những người phản đối lệnh trừng phạt tại EU phải chiến thắng được những người ủng hộ trừng phạt và chính EU phải sẵn sàng bất đồng với Mỹ về vấn đề trừng phạt.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phải ủng hộ EU và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nửa năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Tất cả những điều kiện trên khó lòng đạt được trong năm 2016. Do đó, các lệnh trừng phạt với Nga vẫn được duy trì và Nga tiếp tục phải hứng chịu tình trạng bất lợi trong các vấn đề đối ngoại.
Bất chấp Tây Âu mệt mỏi với Ukraine và đóng băng cuộc xung đột tại Donbas, sự ủng hộ của Mỹ đối với Kiev trong năm 2016 sẽ không giảm đi. Và trong kịch bản tồi tệ nhất, người ta sẽ thấy Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Tại chiến trường Syria, cho dù Nga đang thành công song tiềm chứa những nguy cơ ngắn hạn, có thể gây ra leo thang không thể kiểm soát trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng xung đột trực tiếp với Ankara. Như một hệ quả, Nga sẽ rơi vào một cái bẫy của những người muốn chứng kiến Moscow sa lầy tại Trung Đông và khiến quan hệ với các nước láng giềng bị hủy hoại. Mặc dù Moscow mong muốn thể hiện quyền lực trong mọi cơ hội, Nga không thể để mình rơi vào một cái bẫy như vậy trong tương lai: Syria không phải là mặt trận chính của Nga.
Trong năm 2016, làn sóng phá hủy từ khu vực Trung Đông sẽ gia tăng nguy cơ leo thang xung đột tại khu vực Caucasus, Nagorno-Karabakh và Trung Á, đặc biệt nguy cơ bất ổn tại Tajikistan. Những sự động loạn trong các đồng minh khối CIS của Nga có thể sẽ buộc Moscow phải can dự.
Những nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục thất bại trong việc thúc đẩy tăng trưởng, giữ giá dầu thấp kỷ lục. Nhưng sự bành trướng của các khu vực chiến sự tại Trung Đông, tình trạng trầm trọng thêm quan hệ căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran hay sự bất ổn trong nội bộ Saudi Arabia có thể sẽ thay đổi toàn bộ những toan tính trên.
Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi sẽ tiếp tục vật lộn với các vấn đề trong nước. Và cho dù họ có thiện cảm với Nga tại châu Á và Mỹ Latinh, các ngân hàng và doanh nghiệp của các quốc gia này sẽ chẳng dại gì có thể gây chuyện ảnh hưởng tới quan hệ với Mỹ.
Hiển nhiên trong năm 2016, Nga sẽ buộc phải chọn lựa giữa xấu và rất xấu. Trạng thái thay đổi tích cực có thể phải chờ không sớm hơn 7-8 năm nữa, khi một thế hệ giới tinh hoa bước lên đỉnh quyền lực ở Mỹ và châu Âu, và mới lại có thể coi Nga như một đồng mình chiến lược hoặc đối tác làm ăn.
Vậy Moscow có thể làm gì để biến khả năng này thành hiện thực cũng như gia tăng cơ hội cho chính mình? Trước tiên, nên thận trọng, duy trì quyền lực và tránh bị cuốn vào các cuộc chiến toàn diện cũng như các cuộc xung đột kéo dài.
Thứ hai, cần phải kiên nhẫn xây dựng quan hệ với Tây Âu, khu vực đang dần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại chính trị và quan hệ kinh tế với Nga. Những cuộc bầu cử sắp tới tại các quốc gia châu Âu chủ chốt và Mỹ đem lại hy vọng rằng sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương sẽ có giới hạn là một sự đương nhiên và châu Âu rốt cuộc sẽ giành lại tiếng nói của chính mình.
Thứ ba, Nga không thể hoang tưởng và hiểu lầm với các nước láng giềng và đồng minh gần gũi nhất như Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan và Armenia. Đó không phải vấn đề quan hệ liên nhà nước, mà là sự cần thiết làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa giới tinh hoa, doanh nghiệp, quân đội và giới trẻ.
Cuối cùng, những ưu tiên của Nga trong năm 2016 bao gồm mục tiêu chiến lược là ổn định quan hệ Á-Âu như một sự bảo đảm cho sự tổn tại và thịnh vượng của Nga. Hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, các đối tác trong khối Hợp tác an ninh Thượng Hải (SCO), các các quốc gia ASEAN sẽ giúp tạo lập một hệ thống an ninh tập thể, xây dựng một cầu vận tải và hạ tầng năng lượng châu Á, cũng như bảo đảm nhanh chóng hình thành một thị trường Á-Âu đang tăng trưởng nhanh chóng, là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với Nga.
* Lược dịch một phần bài viết trên National Interest của các tác giả Andrey Bezrukov là cố vấn chiến lược tại Tập đoàn Rosneft, phó giáo sư tai Đại học MGIMO (Moscow); Mikhail Mamonov – chuyên gia phân tích, cố vấn Quỹ Đầu tư Nga-Trung; Sergey Markedonov – chuyên gia phân tích, phó giáo sư tại Đại học Nhân văn Quốc gia Nga; Andrey Sushentsov – phó giáo sư Đại học MGIMO (Moscow), giám đốc chương trình tại Câu lạc bộ Valdai và là giám đốc Nhóm phân tích chính sách đối ngoại.
T.N