Nga-Mỹ gầm ghè: Ông Putin và Donald Trump có khoác tay nhau như tiền nhiệm?

VietTimes -- Ai là người khiến hai cường quốc trở nên thù địch và đối kháng nhau như hiện nay, trong khi 25 năm trước đây hai nguyên thủ Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev đã khoác tay nhau bước đi trên Quảng trường đỏ? Và đâu là nguyên nhân có thể dẫn đến cuộc Chiến tranh lạnh thứ hai?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để trả thù vụ tấn công mạng vào Đảng Dân chủ, tổng thống Mỹ Barack Obama đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa các nhà công vụ của Nga ở Long Island và Maryland.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng 35 nhà ngoại giao Mỹ cũng sẽ bị trục xuất. Nhưng ông Putin lại không hề đưa ra biện pháp trừng phạt nào cả, và còn mời các nhà ngoại giao Nga cùng con cái ở Mátxcơva đến dự lễ Giáng sinh và chào đón năm mới tại điện Kremlin. “Một câu trả lời mềm mỏng sẽ xóa bỏ đi sự phẫn nộ, nhưng những lời nói ác độc chỉ làm dấy lên sự giận dữ,”. “Bước đi rất hay. Tôi biết là ông ấy rất thông minh mà”, tổng thống đắc cử Donald Trump đã bày tỏ như vậy trên trang Twitter.

Theo Unz Review, trong số những người ghét người Nga, người ta có thể dễ dàng nghe thấy những tiếng nghiến răng bất mãn. Rõ ràng, ông Putin tin rằng ông Trump lên làm tổng thống sẽ mang lại triển vọng quan hệ Nga-Mỹ tốt đẹp hơn. Ông Putin có vẻ rất mong muốn điều này, và có lẽ đa phần người Mỹ cùng mong muốn như vậy. Chung quy, bà Hillary Clinton, người buộc tội ông Trump là con rối của ông Putin cũng đã thất bại.

Vậy liệu Mỹ và Nga có tránh được một cuộc Chiến tranh lạnh thứ hai? Vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về câu hỏi này.

Lính Mỹ triển khai ở châu Âu
Lính Mỹ triển khai ở châu Âu

Ai là người khiến hai cường quốc trở nên thù địch và đối kháng nhau như hiện nay, trong khi 25 năm trước đây hai nguyên thủ Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev đã khoác tay nhau bước đi trên Quảng trường đỏ? Và đâu là nguyên nhân có thể dẫn đến cuộc Chiến tranh lạnh thứ hai?

Sự trả đũa lên cao trào khi ông Putin đưa các tên lửa có khả năng hạt nhân đến Kaliningrad – vùng lãnh thổ thuộc Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Nhưng câu hỏi là ai là người khơi mào căng thẳng trước tiên?

Tổng thống George W.Bush là người đã vứt Hiệp ước ABM của Richard Nixon vào thùng rác và ông Obama là người đã đặt hệ thống tên lửa ở Ba Lan. Sau khi xâm lược Iraq, George W. Bush đã kết nạp các nước Baltic vào NATO và vi phạm cam kết của Bush cha với nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó Gorbachev là sẽ không đưa NATO mở rộng sang Đông Âu nếu hồng quân triệt thoái.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cáo buộc Nga đã xâm lược Georgia năm 2008. Quả thực Nga đã tiến hành một cuộc chiến ngắn, nhưng đó là sau khi Georgia xâm lược khu vực ly khai Nam Ossetia và giết những lính gìn giữ hòa bình của Nga. Ông Putin đã đuổi người Georgia, chiếm đóng một phần Georgia và sau đó đã rút lui.

Nga đã ủng hộ tổng thống Syria Bashar Assad, ném bom các nhóm phiến quân do Mỹ hậu thuẫn và tham gia vào chiến dịch giải phóng Aleppo. Tuy nhiên, ai là người bắt đầu cuộc nội chiến thảm khốc ở Syria? Liệu có phải chính Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh đã ủng hộ cho quân nổi loạn chống lại chế độ vốn là đồng minh của Nga trong nhiều thập kỷ và đã cho Nga đóng căn cứ hải quân duy nhất ở Địa Trung Hải?

Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ ở thành phố Aleppo vừa được giải phóng
Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ ở thành phố Aleppo vừa được giải phóng
Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria

Có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp, đó là tại sao Mỹ lại ủng hộ việc lật đổ ông Assad trong khi người thay thế rất có thể là người Hồi giáo và là kẻ thù với người Kitô giáo ở Syria?

Theo Unz Review, Nga bị cáo buộc can thiệp vào khủng hoảng Ukraine và đã sáp nhập Crimea. Nhưng Nga không xâm lược Crimea. Để đảm bảo căn cứ hải quân Biển Đen, Nga đã thực hiện cuộc đảo chính trong hòa bình, nhưng điều đó chỉ diễn ra sau khi Mỹ ủng hộ cuộc lật đổ một chính phủ thân Nga ở Ukraine.

Crimea vốn thuộc về Nga từ thời kỳ Catherine Đại đế vào thế kỷ XVIII, và quan hệ Nga-Ukraine cũng có từ trước khi cuộc thập tự chinh diễn ra. Vậy điều này trở thành lợi ích tối quan trọng của Mỹ từ khi nào?

Unz Review cho rằng ông Putin ủng hộ chủ nghĩa ly khai ở Donetsk và Luhansk, điều này có nghĩa là ông đang ủng hộ cho đồng bào của mình khi đất nước bị tan rã. Hiện có rất nhiều người Nga sinh sống ở 14 nước trước đây từng thuộc Liên Xô. Phải chăng ông Putin không có quyền quan tâm đến những người dân trước đây của Nga?

Không giống như quan chức Mỹ, ông Putin là một nhà dân túy dân tộc vào thời điểm chủ nghĩa dân tộc đang len lỏi trỗi dậy bên cạnh chủ nghĩa xuyên quốc gia để trở thành lực lượng của tương lai.

Nga bị phương Tây tố cáo đã ủng hộ cho các đảng cánh hữu và chống EU. Nhưng liệu Quỹ dân chủ quốc gia Mỹ có ủng hộ cho sự thay đổi chế độ ở Balkan cũng như tại các nước cộng hòa Xô Viết trước đây hay không? Mỹ đang lên án Putin vì chính những điều mà Mỹ gây ra trước.

Hơn nữa, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc, các đảng ly khai và chống EU đều đang nổi lên và tiến bộ dần thông qua những cuộc bầu cử tự do. Chủ quyền, độc lập, sự phục hồi bản sắc quốc gia, tất cả đối với các đảng này đều quan trọng hơn là sự tồn tại bị kiểm soát quá mức trong sự độc đoán mềm ở EU.

Trong Chiến tranh lạnh, nước Mỹ đã thắng thế. Nhưng trong cuộc đấu tranh mới này, đất nước với chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ có vẻ lại có ưu thế hơn so với một đất nước “toàn cầu” đa văn hóa, đa dân tộc, đa chủng tộc, đa ngôn ngữ.

Ông Putin không tìm cách phá hoại hay chinh phục nước Mỹ hay châu Âu. Ông chỉ muốn một nước Nga với đầy đủ quyền và lợi ích như một cường quốc đáng được tôn trọng. Ông không hề lấn sang sân nước Mỹ mà chính nước Mỹ lại đang làm như vậy.

Sai lầm lớn nhất của ông Trump có thể gây ra là để cho những người ghét nước Nga nắm bánh lái và hướng nước Mỹ vào một cuộc Chiến tranh lạnh khác, có thể rất tốn kém và không thể kết thúc trong hòa bình.

Cái khoác tay giữa ông Reagan với ông Gorbachew đã thực sự hiệu quả. Ông Trump không có gì để mất nếu bắt tay với ông Putin, và có lẽ còn có thể thắng lớn.