Năm 2013, ông Recep Tayyip Erdogan lúc đó là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nhiều người ngạc nhiên với lời tuyên bố của ông về Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Khi trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Erdogan nói rằng: “Hãy để chúng tôi thoát khỏi điều này (khi cố để gia nhập Liên minh châu Âu). Chúng tôi sẵn sàng ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với các nước Âu-Á. Tôi đã từng nói về Tổ chức hợp tác Thượng Hải với ông trước đây. Chúng tôi thật sự quan tâm đến tổ chức này”.
Vào lúc đó, tuyên bố này giống như một trò đùa như ông Erdogan đã tự mô tả hoặc có lẽ là một lời khiêu khích gửi đến Brussels với ý nghĩa “Xem này, chúng tôi không cần các ông, chúng tôi vẫn còn các lựa chọn khác.” Rất ít người ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga đón nhận chuyện này một cách nghiêm túc.
Vào tháng 11/2016, ông Erdogan lần này trên cương vị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa đả động đến vấn đề trở thành thành viên của SCO: “Thổ Nhĩ Kỳ không nên nói mình là của EU dù là lý do gì đi nữa. Chẳng hạn, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ không gia nhập Tổ chức SCO?”, ông Erdogan đã nói như vậy với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Uzerbekistan, một nước thành viên của SCO.
Lần này, những lời ông Erdogan nói không còn bị xem là một trò đùa, vì nhiều thứ đã thay đổi kể từ sau tuyên bố đầu tiên. Thứ nhất là quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây đã bị tổn hại một cách nghiêm trọng kể từ khi đảo chính thất bại vào tháng 7/2016 và kéo theo đó là hàng loạt vụ bắt bớ ở đất nước này. Thứ hai là EU đã không còn hấp dẫn với Thổ Nhĩ Kỳ như trước.
EU hiện cũng đang phải đối mặt với vô số các vấn đề, bao gồm việc nước Anh bỏ phiếu rời EU, khủng hoảng di cư, sự gia tăng phong trào chống Hồi giáo và chống nhập cư và sự trỗi dậy của phong trào phái cực hữu. Thứ ba, quan hệ Nga với phương Tây cũng bị sứt mẻ sau cuộc khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế sau đó, khiến các nhà quan sát đã bàn luận về một cuộc Chiến tranh lạnh mới có thể nổ ra.
Những thực tế trên đã đẩy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ củng cố quan hệ với nhau và với các đối tác không phải phương Tây, đàm phán về tương lại Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của SCO. Nhóm Thượng Hải 5 (gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan) được thành lập năm 1996. Sau đó tổ chức này được đổi tên thành Tổ chức hợp tác Thượng Hải sau khi Uzbekistan gia nhập vào năm 2001. Sau đó, các nước Mông Cổ, Iran, Belarus và Afganistan đã trở thành quan sát viên của SCO. Ấn Độ và Pakistan đã ký các hiệp định gia nhập vào tháng 6/2016 và dự định sẽ trở thành thành viên vào năm nay. Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2012 cũng đã trở thành “đối tác đối thoại” của SCO.
Ông Fyodor Lukyanov, tổng biên tập của tờ Global Affairs, cho rằng tầm quan trọng của SCO đang tăng lên nhanh chóng. Ông tin rằng đặc điểm chính của tổ chức này là việc phản đối sự can thiệp vào nền chính trị trong nước của các nước thành viên. Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc không có sự chỉ trích nhau là điều mà chính quyền Thổ cảm thấy hấp dẫn nhất ở SCO. Và một số chuyên gia còn nhìn thấy các lợi ích kinh tế của Thổ khi gia nhập tổ chức này.
Nga rất hứng thú với việc Thổ gia nhập SCO vì một số lí do. Thứ nhất, Matxcơva muốn quan hệ với Ankara trở nên sâu sắc hơn. Và hơn thế, Nga cũng hy vọng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập SCO sẽ là động lực thúc đẩy các chính sách của nước này. Kể từ sau cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, các chuyên gia Nga đã bắt đầu bàn luận nhiều hơn về sự chuyển dịch trong chính sách đối ngoại của Ankara từ Tây sang Đông.
Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trong những đề tài chính trị được thảo luận nhiều nhất trên các kênh truyền hình nhà nước Nga. Ông Vladimir Zhirinovsky, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và hiện là một chính trị gia và một lãnh đạo nổi tiếng ở Đảng Dân chủ tự do ở Nga (đảng lớn thứ hai trong Duma quốc gia), dự đoán rằng Thổ chắc chắn sẽ chuyển dịch nhiều hơn sang phía Á-Âu và Trung Đông và có thể sẽ rời khỏi NATO.
Lý do thứ hai là về kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ là một nhà cung cấp năng lượng quan trọng, nối khu vực Á-Âu với châu Âu. Các nước SCO có thể làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ và giúp nâng cao hợp tác năng lượng. “Thổ Nhĩ Kỳ được chọn làm chủ tịch Hội năng lượng trong SCO năm nay, đây là lần đầu tiên một quốc gia không thuộc SCO được giữ chức vụ này”, Esref Soysal, phó đại diện SCO của Thổ Nhĩ Kỳ đã trả lời Al-Monitor như vậy. “Đây là thông điệp chính mà Matxcơva gửi đến chúng tôi. Đây là cách mà Nga nhìn nhận vai trò thành viên của Ankara trong SCO.”
Thứ ba, sự hợp tác chặt chẽ hơn với Thổ trong không gian an ninh này có lợi cho Nga. Cả Nga và Thổ đều phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh tương tự trong khu vực như khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Nga vẫn nghi ngại về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong SCO. Một chuyên gia, từng là tướng lĩnh và nhà báo quân đội giấu tên đã nghỉ hưu trả lời Al-Monitor rằng nếu không rời NATO, Thổ Nhĩ Kỳ không thể gia nhập vào SCO. “SCO là một tổ chức khu vực tập trung đầu tiên vào các mối đe dọa an ninh như chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, hợp tác quân sự và an ninh. Một nước NATO không thể trở thành một thành viên của SCO được”.
Tuy nhiên ở Thổ Nhĩ Kỳ, tư cách thành viên ở SCO khó được coi là sự thay thế cho NATO hay EU. “Thổ Nhĩ Kỳ, dựa vào vị trí địa lí và văn hóa, là một nước ở cả châu Á và châu Âu tương tự như Nga. Do đó SCO không phải là một sự thay thế cho EU”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim trả lời truyền thông trong chuyến thăm Nga hồi tháng 12/2016. Ông Yildirim nói: “Chúng tôi không mục đích dùng SCO để đe dọa EU. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không thể coi thường những mối đe dọa và cơ hội mà nước mình đang phải đối mặt. Chúng tôi không có quyền để nói gì cả. EU là dựa chọn duy nhất của chúng tôi, và chúng tôi sẽ ở đây dù EU có muốn hay không”.
Theo Al-Monitor, Nga coi SCO là một tổ chức an ninh và chính trị hơn là một tổ chức kinh tế. Điều này không cho phép một nước NATO trở thành thành viên của SCO, cho dù Nga chào đón nỗ lực gia nhập khối của Ankara. Lãnh đạo đảng Dân chủ tự do của Nga Zhirinovsky trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2016 đã nói rằng cá nhân ông Erdogan đã nhờ ông giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập SCO và cho rằng có khả năng Thổ sẽ rời NATO.
Không biết rằng lần này ông Erdogan có đùa hay không.