Trong cuộc phỏng vấn với tờ Argumenty i Fakty của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bảo vệ mối quan hệ với cả Iran và Israel như "giá trị thực chất" cho đất nước ông, dù cho hai quốc gia này vốn là kình địch của nhau. Cả Iran và Israel đều tung ra những lời đe dọa lạnh gáy, trong bối cảnh Mỹ tăng cường chiến lược "sức ép cực đại" nhằm vào Tehran với hy vọng cô lập quốc gia này. Đây cũng là chiến lược mà ông Lavrov coi là gây bất ổn.
"Căng thẳng đang tăng trong khu vực mà chúng ta chứng kiến hiện nay chính là hậu quả từ việc Washington cùng một số đồng minh của họ tăng cường chính sách chống Iran" - ông Lavrov nói.
"Mỹ đang phô trương sức mạnh của họ bằng cách hạ uy tín của Tehran và đổ mọi tội lỗi cho nước Cộng hòa Hồi giáo Iran" - ông Lavrov nói thêm - "Điều này tạo nên một tình huống nguy hiểm: Một que diêm cũng có thể gây hỏa hoạn. Trách nhiệm sẽ thuộc về nước Mỹ nếu có thêm những hậu quả thảm khốc".
Nga cùng với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức và Anh cũng là các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cùng với Mỹ và Iran. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này, cáo buộc Tehran sử dụng các nguồn quỹ được giải phóng để rót tiền cho các nhóm vũ trang và phát triển tên lửa đạn đạo.
Kể từ đó, Mỹ liên tục ngăn chặn thương mại quốc tế của Iran bằng cách đe dọa các nước khác - bao gồm cả các đồng minh của họ - bằng lệnh trừng phạt. Lầu Năm Góc cũng tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông giữa bối cảnh mà Nhà Trắng cho là mối đe dọa từ Iran đang gia tăng. Mỹ cũng cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman.
Chiến hạm Iran phóng một tên lửa chống hạm trong cuộc tập trận Velayat-97 trên Vịnh Oman ngày 23/2 (Ảnh: Newsweek)
|
Tháng trước, Lực lượng vệ binh cách mạng Iran (IRGC) đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, một động thái khiến ông Trump ra chỉ thị tấn công Iran để trả đũa nhưng lại hủy lệnh vào phút chót. Về phần minh, Iran cũng bắt đầu phá vỡ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân bằng cách tăng mức độ làm giàu uranium, tăng lượng uranium đã làm giàu ở mức thấp mà họ được phép dự trữ.
Trong lúc đó, EU vừa phải nỗ lực đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ, vừa phải bình thường hóa quan hệ với Iran. Trước những hành động vi phạm thỏa thuận của Iran mới đây, EU cho rằng chúng "có thể đảo ngược" và không phải những hành động vi phạm quá đáng. Phản ứng trước động thái của EU, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng đánh giá của EU không khác gì "sự trấn an của châu Âu năm 1930" về Đức quốc xã.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Ngoại trưởng Lavrov đã bác bỏ đánh giá của ông Netanyahu, cho rằng "không phù hợp khi so sánh điều đã xảy ra ở châu Âu trong những năm 1930 và diễn biến hiện nay ở Trung Đông". Ông còn đề cập tới việc cựu Thủ tướng Anh Neville Chamberlain và Thủ tướng Pháp Edouard Daladier "từng tìm cách thỏa hiệp với Hitler để Đức quốc xã chuyển hướng sang tấn công Liên Xô".
"Chúng ta chưa từng thấy điều gì tương tự ở thời điểm hiện tại" - ông Lavrov nói - "Iran thường xuyên khẳng định với chúng ta rằng họ có lợi ích trong việc bảo đảm sự ổn định trong khu vực thông qua đối thoại với tất cả các bên liên quan, trong đó có cả các nước Arab ở Vùng Vịnh. Thêm vào đó, Tehran cũng luôn nhấn mạnh rằng họ không có ý định đưa ra hành động hung hăng".
Hôm thứ Ba tuần này, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói với kênh NBC News rằng cánh cửa ngoại giao với Mỹ vẫn "rộng mở", nhưng các vòng đàm phán hạt nhân chỉ có thể diễn ra một khi chính quyền Trump gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Vị quan chức cũng chỉ ra rằng Mỹ hiện nay tăng cường hỗ trợ về mặt quân sự với các nước trên bán đảo Arab như Arab Saudi và UAE, buộc họ phải duy trì chương trình tên lửa để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.