Sau một thời gian im ắng, cuộc ly hôn ồn ào của vợ chồng nhà sáng lập Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đã có những diễn biến mới. Thông báo của phía Trung Nguyên ngày 15/2/2020 cho biết ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã hoàn tất thi hành án theo bản án phúc thẩm với nội dung chuyển 1.200 tỷ đồng tiền chênh lệch phân chia tài sản và tuyên bố bà Lê Hoàng Diệp Thảo không còn là cổ đông tại các công ty trong hệ thống Trung Nguyên.
Trung Nguyên cũng khẳng định, ông Vũ thi hành xong nghĩa vụ thanh toán chênh lệch cho bà Thảo trước khi Cục Thi hành án dân sự TPHCM nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, nên yêu cầu hoãn thi hành án của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến các nội dung đã được thi hành án.
Hiện chưa rõ vụ việc sẽ diễn biến ra sao còn trên trang Facebook của mình, bà Thảo cho thấy động thái sẽ không cam chịu "bỏ cuộc".
Theo các thông tin được công bố, tổng khối tài sản chung của ông Vũ – bà Thảo là hơn 8.200 tỷ đồng, trong đó tài sản lớn nhất đồng thời là trọng tâm của mâu thuẫn là cổ phần tại hệ thống Trung Nguyên được định giá 5.737 tỷ đồng.
Trong trường hợp chỉ thuần túy phân chia lại – tức cả 2 vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phần – thì việc định giá bao nhiêu không mấy quan trọng. Tuy nhiên, do phán quyết của Tòa đã nói rõ ông Vũ mua lại cổ phần của bà Thảo bằng tiền mặt nên lúc này việc định giá Trung Nguyên lại là yếu tố quan trọng nhất với câu hỏi cốt yếu là mức giá kia đã hợp lý chưa? Câu chuyện này đã được khá nhiều chuyên gia tài chính thảo luận trong những ngày qua.
Nếu Trung Nguyên thay vì là công ty gia đình thuần túy như hiện tại mà là một công ty đại chúng đã lên sàn hoặc đã từng có giao dịch bán cổ phần cho đối tác bên ngoài thì sẽ dễ dàng có được một mức giá được coi là hợp lý hơn.
Ông Vũ, bà Thảo trực tiếp nắm giữ 30% cổ phần Trung Nguyên Group, phần còn lại sở hữu gián tiếp qua CTCP Đầu tư Trung Nguyên
Dựa theo các số liệu tài chính có được, mức định giá chưa đến 6.000 tỷ đồng chỉ tương đương với hệ số P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) khoảng 1 đến 1,2 lần giá trị sổ sách của Trung Nguyên Group tại thời điểm cuối năm 2018.
Giám đốc đầu tư của một quỹ đầu tư lớn nhận định với với việc có doanh thu, lợi nhuận lớn cộng với vị thế dẫn đầu của một lĩnh vực không dễ thâm nhập thì nhà đầu tư sẵn sàng trả một mức giá tương ứng với P/B cao hơn nhiều.
Kết quả khảo sát tại 8 doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống lớn khác như Vinamilk, Sabeco, Masan Consumer… cho thấy P/B trung bình của nhóm này ở mức 3,5 lần và P/B của Vinacafe Biên Hòa, doanh nghiệp tương đồng nhất với Trung Nguyên là 3,7 lần.
Tạm tính ở mức P/B bằng 3 lần thì định giá của Trung Nguyên Group phải ở mức tối thiểu 15.000 tỷ đồng, chưa kể phần vốn ở những công ty khác – tương ứng khối tài sản chung tăng thêm cỡ 10.000 tỷ đồng – đồng nghĩa ông Vũ phải thanh toán thêm 4.000 tỷ đồng. Còn nếu P/B bằng 2 lần thì ông Vũ phải chi thêm khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đó chỉ là những giả định. Và một điều quan trọng không thể bỏ qua là các công ty chưa niêm yết thường sẽ bị định giá thấp hơn nhiều so với những doanh nghiệp đầu ngành đã niêm yết. Do đó, việc P/B của Trung Nguyên có thấp hơn nhiều so với Vinacafe BIên Hòa thì cũng không có gì ngạc nhiên.
Cũng có không ít trường hợp giá cổ phiếu rơi xuống dưới cả giá trị sổ sách (P/B < 1, như trường hợp của Kido Group) nếu như nhà đầu tư đánh giá triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp không khả quan. Một điều không thể bỏ qua lợi nhuận của riêng công ty mẹ Trung Nguyên Group đã giảm rất sâu trong những năm gần đây còn doanh thu thì tăng trưởng thấp. Kết quả này chưa hợp nhất đầy đủ các công ty con như Cà phê Trung Nguyên, Cà phê Hòa tan Trung Nguyên hay Trung Nguyên Franchising nên chưa phản ánh đầy đủ tình hình kinh doanh của cả hệ thống.
Tất nhiên đây chỉ là một ví dụ minh họa đơn giản với 1 phương pháp định giá phổ thông, tương tự như cách các shark nhẩm tính nhanh để chốt deal trong chương trình Shark Tank trên sóng truyền hình. Với các thông tin không đầy đủ, rất khó để người bên ngoài ước lượng được mức giá nào là hợp lý cho Trung Nguyên.
Thực tế thì giá trị sổ sách và P/B chỉ là 1 trong rất nhiều phương pháp để xác định giá trị doanh nghiệp bên cạnh những phương pháp phổ biến khác như P/E, chiết khấu dòng tiền… và các phương pháp này thường được kết hợp với nhau để đưa ra kết quả cuối cùng.
Với một thương vụ mua bán cổ phần bình thường, để đi được đến thống nhất giữa 2 bên là cả một quá trình định giá, đàm phán phức tạp. Trong khi đó, đây lại là một vụ tranh chấp tài sản kéo dài nhiều năm mà bên nào cũng muốn nắm cổ phần kiểm soát Trung Nguyên.
Do đó không có gì bất ngờ khi bà Thảo – người bị buộc phải bán lại cổ phần với giá đã được định sẵn – sẽ tiếp tục có những động thái pháp lý mới.
Theo Trí thức trẻ