Mức án phí “khủng” mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải đóng cho Tòa án ND TP.HCM (theo Tòa tuyên tại phiên xử chiều 27/3) đã trở thành kỷ lục về án phí cho một vụ ly hôn ở Việt Nam.
Xác định trên tổng số tài sản của hai vợ chồng có giá trị 8.229 tỉ đồng, TAND TP.HCM tuyên về án phí ly hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải chịu 300.000 đồng tiền khởi kiện và 33,7 tỉ đồng án phí tài sản. Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải nộp 48,7 tỉ đồng án phí tài sản.
“Đối chiếu với quy định của pháp luật về án phí dân sự sơ thẩm, mức án phí của vụ tranh chấp ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo không cao tới mức như vậy. Trong trường hợp này, cụ thể là tòa đã tính nhầm án phí của ông Vũ và bà Thảo lên gấp 10 lần so với quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ban hành năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án” – Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP HCM có ý kiến.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau phiên tòa chiều 27/3 trở thành người giàu cỡ nào khi được chia hơn 3.000 tỉ đồng? Bà Thảo khóc và chỉ bình luận ngắn gọn: “Công lý ở đâu? Quá bất công với mẹ con tôi”. Nhiều bạn đọc bình luận: “Nếu được khóc để có hơn 3.000 tỉ đồng, chúng tôi cũng muốn được khóc như bà Thảo”. (Ảnh: Lê Quân) |
“Căn cứ theo NQ 326/2016, tại điểm 1.1 Danh mục án phí “Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình” tòa sẽ thu 300.000 đồng; Tại mục e điểm 1.3 quy định án phí dân sự sơ thẩm với tổng tài sản có giá từ trên 4 tỉ đồng được tính theo công thức: 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỉ đồng. Trong vụ ly hôn của ông Vũ và bà Thảo, nếu tòa xác định tổng giá trị tài sản chung của hai vợ chồng là 8.229 tỉ đồng, thì tiền án phí sẽ tương ứng là: 112 triệu + 0.1% x (8.229 tỉ - 4 tỉ) = 8,337 tỉ (đồng). Nhưng tòa đang tuyên con số nhầm lẫn lên gấp 10 lần so với quy định” – Luật sư Bùi Quốc Tuấn khẳng định.
“Trường hợp bản án có tính sai về án phí, căn cứ điều 278 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. HĐXX tuyên án nhưng chưa phát hành bản án thì vẫn vẫn phải đính chính bản án kịp thời” – Luật sư Bùi Quốc Tuấn cho biết thêm.
Như vậy, nếu Viện kiểm sát không kháng nghị và nguyên đơn lẫn bị đơn đều không kháng cáo thì ông Vũ và bà Thảo có thể thi hành như tuyên án? Đóng mức phí “khủng” lên đến hơn 80 tỉ đồng cho một vụ “chia nhà sẻ cửa”?
Không bất ngờ khi dư luận có nhiều ý kiến cảm thán: Tại sao một vụ ly hôn với số tài sản lớn, gây rúng động dư luận cả nước mà TAND TPHCM lại có thể tuyên một cách vội vã, dẫn đến nhầm lẫn tức cười như vậy (?!)./.