Không giảm cước vận tải là vi phạm
Chiều 30/8, Tổng thư ký Hội Thẩm định Giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, trong khoảng 2 tháng qua,giá xăngdầu đã giảm khoảng 10%, cước phải giảm khoảng 5%. Ông phân tích cụ thể rằng, chi phí nhiên liệu chiếm 35-40% trong tổngchi phí cước vận tải.
“Với mức giá xăng giảm 10%, nếu các yếu tố khác không đổi, thì giá cước phải giảm 5%, tương ứng 700-900 đồng/km tùy loại phương tiện”, ông Thỏa nhận định. Theo vị này, việc giá xăng dầu giảm trong mấy đợt liên tiếp gần đây là cơ hội để giảm giá cước vận tải hàng hóa, xe khách đường dài; từ đó giá cả hàng hóa, sản phẩm cũng sẽ giảm theo. Tức người tiêu dùng không chỉ hưởng lợi trực tiếp từ việc giảm chi phí đi lại, mà còn gián tiếp hưởng lợi từ việc hàng hóa giảm giá. “Vì thế, rất khó chấp nhận chây ì, không chịu giảm giá cước”.
Khi được hỏi về biện pháp quản lý buộc các doanh nghiệp vận tải phải giảm giá, ông Thỏa cho rằng, hiện hai Bộ Tài chính và GTVT đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải kê khai lại giá, tính toán chi phí đầu vào giảm để giảm giá cước tương ứng. Theo ông Thỏa, nếu chỉ mong chờ doanh nghiệp tự động giảm giá rất khó. Do đó cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, cơ quan quản lý vận tải và giá cần phối hợp kiểm tra chặt chẽ, xử lý với các trường hợp chây ì không giảm giá cước.
Đưa ra chế tài xử lý đối với doanh nghiệp không chịu giảm giá, ông cho hay điều này đã được quy định trong Luật giá. Theo đó, khi các yếu tố hình thành giá thay đổi, doanh nghiệp phải thay đổi giá, trong đó có các doanh nghiệp vận tải. “Thay đổi ở đây có cả tăng, có cả giảm”, ông Thỏa cho hay. Vì thế, việc doanh nghiệp vận tải không chịu thay đổi giá là vi phạm. Cơ quan quản lý phải kiên quyết rà soát, kiểm tra giá cước xem doanh nghiệp vận tải kê khai lại có hợp lý không.
Nếu tính từ đầu năm 2015 đến nay, mặt hàng xăng đã có 4 lần tăng giá, với tổng cộng là 5.040 đồng/lít và giảm giá 6 lần là 4.390 đồng/lít. Trong khi mặt hàng dầu diesel, từ đầu năm mới chỉ tăng 2 lần với 1.210 đồng/lít và giảm tới 8 lần, tổng cộng 4.780 đồng/lít. Như vậy so với mức giá đầu năm, giá xăng hiện tại vẫn cao hơn 650 đồng/lít, nhưng mỗi lít dầu diesel đã giảm tới 3.570 đồng.
Đánh giá về giá xăng dầu, ông Thỏa cho rằng, khó nói giá cao hay thấp, vì điều đó còn phụ thuộc vào chính sách của từng nước. “Không thế thấy giá thế giới giảm 10% là yêu cầu giá trong nước cũng giảm tương ứng. Giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào chính sách thuế, chi phí…”, ông Thỏa nhìn nhận.
Hành khách đang gánh chịu hậu quả của sự chây ì của cước vận tải Ảnh: Bảo An.
Doanh nghiệp vận tải vờ nghe ngóng
Để kiểm soát giá cước vận tải, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã ra công văn đề nghị các địa phương, yêu cầu các sở trực thuộc phối hợp kiểm tra kê khai giá cước vận tải.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó GĐ bến xe Mỹ Đình cho hay, đây là động thái cần thiết của các cơ quan chức năng. “Đầu năm, khi giá xăng dầu giảm, cước vận tải không xuống, nhiều đoàn thanh tra về giá được triển khai, lập tức các doanh nghiệp tự động giảm giá. Hy vọng, lần này, cơ quan nhà nước triển khai sớm, các doanh nghiệp cũng sẽ giảm giá cước nhanh chóng”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết, hiện nay, tại bến xe Mỹ Đình, tình hình chung các doanh nghiệp xe khách đường dài vẫn nằm chờ nghe ngóng. Thông tin từ các hiệp hội vận tải, hiệp hội taxi, vẫn chưa có doanh nghiệp taxi nào chịu giảm cước.
Với ngành đường sắt, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng GĐ Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho hay, giá cước vận tải được tính toán theo cả năm; tăng giảm giá cước theo mùa khách đông hay vắng. Vì vậy xăng dầu, dù là yếu tố quan trọng đến chi phí vận tải nhưng theo ông Hoạch, giá cước đường sắt khó tăng giảm ngắn hạn theo giá xăng dầu.
Ngành hàng không lâu nay cũng không có bất cứ động thái nào về giá liên quan trực tiếp đến giá xăng giảm (cho dù, cuối năm, lãnh đạo các hãng cho biết, lợi nhuận phần lớn nhờ nhiên liệu giảm).
Cũng tương tự như đường sắt, một đại diện của hãng hàng không cho hay, sở dĩ, giá vé vận tải không biến động theo giá xăng vì xăng dầu thay đổi theo chu kỳ ngày; trong khi, giá vé hàng không tính toán theo mùa cho cả năm (giá vé đa dạng theo từng chặng, từng hạng ghế, từng thời điểm khách đặt vé...). “Ngoài ra, ngành hàng không tiêu thụ lượng nhiên liệu rất lớn, phải đặt mua trước nhiều tháng. Vì vậy, cước vận tải không thể chạy theo tăng giảm của xăng dầu”, đại diện một hãng hàng không nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho hay, giá cước vận tải tác động lớn đến các mặt hàng trong toàn xã hội. Hiệp hội đồng thuận với ý kiến cho rằng cần yêu cầu vận tải phải thay đổi theo giá xăng dầu.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, điều này cũng đang bộc lộ nhiều bất cập trong cơ chế quản lý giá hiện nay. “Mỗi lần đổi giá, taxi phải dừng xe, cài lại đồng hồ, mất cả buổi. Xe khách phải in lại vé, thay đổi thông số sổ sách kế toán. Chúng tôi đề nghị cơ quan nhà nước giảm tần suất tăng giảm giá xăng dầu; giảm chi phí cài lại đồng hồ, hay giảm bớt cho các thủ tục nhưng không được”.
TheoTiền phong