Rõ ràng, vụ việc khiếu nại, tố cáo xảy ra tại Đồng Tâm, Mỹ Đức vừa qua đã đặt ra nhiều bài học lớn cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn người dân.
Sự việc gây bức xúc cho người dân hệ quả là dân Đồng Tâm đã giữ 38 cán bộ, chiến sỹ huyện Mỹ Đức và TP. Hà Nội tại Nhà văn hóa thôn Hoành. Ngoài ra, chính quyền Hà Nội cũng mất nhiều công sức để giải quyết vụ việc. Chỉ trong vòng vài ngày ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã trực tiếp 2 lần đối thoại với người dân. TP. Hà Nội cũng đã phải ban hành Quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết, sự việc diễn ra để lại nhiều bài học lớn. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương phải nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo dứt điểm ngay từ cơ sở. Nếu địa phương thấy điểm nóng phải lập tức tiếp công dân đột xuất, giải quyết dứt điểm. Không giải quyết tốt từ cơ sở sẽ là điều kiện phát sinh điểm nóng.
Khi có các điểm nóng khiếu nại, tố cáo không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà cả hệ thống chính trị cần tham gia tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận. Việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức và một số nơi khác nhiều người dân chưa đồng thuận nhưng không được lãnh đạo cấp cao trực tiếp đối thoại kịp thời.
“Để xảy ra việc này gây dư luận thực sự không tốt. Thực tế người dân đã biết sẽ vi phạm pháp luật nhưng tha thiết muốn được gặp vị lãnh đạo cấp cao. Vì vậy đây là điều phải rút kinh nghiệm cả cơ quan hành chính nhà nước, cả người dân. Nếu xử lý tốt ngay từ đầu sẽ không dẫn đến hậu quả như vậy”, ông Điệp cho biết.
Ngoài ra, trong công tác tham mưu nếu thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc cần phải thanh tra thì đề nghị thanh tra, thậm chí có thể báo cáo Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra cho khách quan.
Đối với Kết luận thanh tra tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp đề nghị, cần công khai minh bạch ngay từ đầu, cho người dân cùng tham gia trong cả quá trình đối thoại, cung cấp thông tin với những người có chức trách nhiệm vụ có liên quan đến quản lý đất đai tại địa phương, tuy rằng công dân không phải là thành viên đoàn thanh tra.
Cũng theo ông Điệp vấn đề quản lý kinh tế nói chung cũng như quản lý đất đai riêng tại các địa phương còn lỏng lẻo, nên chăng sửa các quy định của pháp luật Đất đai để Nhà nước trưng thu, trưng mua đất khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Ngoài ra, công tác quy hoạch phải được công khai, minh bạch để người dân tham gia xây dựng cũng như giám sát quá trình thực hiện.