PV Dân trí đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân về những vấn đề trên.
Thưa ông, khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế cho rằng tiền lương của Việt Nam còn thấp nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương, một phần nguyên nhân do năng suất lao động thấp đã “ghìm” mức tăng tiền lương?
Tổ chức Lao động quốc tế mới đây đã công bố nhiều tư liệu về năng suất lao động Việt Nam thấp. Đó là thực trạng đúng và đương nhiên tiền lương không thể tăng nhanh được. Điều này khiến chúng ta phải xem xét và đánh giá lại nhiều vấn đề.
Tiền lương ở Việt Nam đang theo xu hướng thị trường, tức là tuân theo quy luật giá trị và cung cầu. Việt Nam hiện còn thiếu nguồn việc làm. Điều này ảnh hưởng tới sự mất cung cầu, là yếu tố làm tiền lương tăng chậm. Thậm chí ở một số lĩnh vực không tăng.
Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực gia công, chế biến và cơ khí lắp ráp. Công việc từ xuất phát những lĩnh vực này mang tính đơn thuần, lương không cao.
Mức lương vùng này cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000-400.000 đồng/mức.
Mặc dù tốc độ tăng lương của chúng ta tăng thuộc hàng cao của thế giới nhưng mặt bằng vẫn còn khoảng cách xa với thế giới.
Đây là thực trạng chung của các nước đang phát triển. Trong quá trình tới, chúng ta cần phải tái cơ cấu doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp và ngành nghề có hàm lượng chất xám cao từ đó là điều kiện để tăng cương cao hơn.
Nhà nước cũng có lộ trình xây dựng sàn lương tối thiểu để doanh nghiệp và người lao động làm căn cứ để thỏa thuận không thấp hơn mức này.
Theo lộ trình tới năm 2017, mức lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, quan điểm về xác định mức sống tối thiểu của các bên tại Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn còn khác nhau, thưa ông?
Hiện nay đang có cách giải thích mức sống tối thiểu khác nhau ở các bên. Phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra khái niệm mức sống tối thiểu dựa trên sự nhấn mạnh về mức giá của một số hàng hóa cụ thể.
Phía bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương lại đưa ra khái niệm mức sống tối thiểu dựa trên chỉ số các mặt hàng của Tổng cục Thống kê và rổ hàng hóa đó để đưa ra mức sống tối thiểu.
Chúng tôi chỉ đạo bộ phận lỹ thuật thống nhất lại cách tính để cả bên Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) có thể căn cứ vào đó là cơ sở thống nhất. Tuy nhiên, kinh nghiệm quan sát thực tế ở các nước cũng cho thấy việc thống nhất là rất khó.
Bởi lẽ khi đi vào đàm phán cụ thể, các bên đều nhấn mạnh vào một số yếu tố nào đó nên bao giờ cũng có khoảng cách nhất định. Vấn đề là đưa khoảng cách đó càng hẹp càng tốt.
Vậy thực tiễn nhiều năm qua, để dung hòa việc này thì Bộ đã tính như thế nào?
Trong những năm qua, việc xác định mức lương tối thiểu đã phần nào dựa trên mức sống tối thiểu. Tuy nhiên đó là mức sống tối thiểu có tính “đơn phương”. Đó là cách Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê, trên cơ sở tham khảo ý kiến của một số cơ quan khác.
Trong khi đó, Viện Công nhân của Tổng liên đoàn Lao động VN cũng đưa ra cách tính khác. Quan điểm của tôi là phải thống nhất phương pháp tính toán. Còn cách tiếp cận khác nhau thì đây là câu chuyện rất khó nói.
Xin cảm ơn ông!
“Trên góc độ của Hội đồng Tiền lương quốc gia, chúng tôi đang chỉ đạo các bộ phận kỹ thuật nghiên cứu lại về mức sống tối thiểu. Khi đánh giá mức sống tối thiểu, chúng ta sẽ có sự tham gia của các nhà khoa học và các bên để đưa ra một bộ chuẩn về mức sống tối thiểu. Để sau này khi Hội đồng tiền lương họp để xem xét điều chỉnh lương tối thiểu thì sẽ dựa trên một cơ sở thống nhất” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.
Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm đại diện của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ VN, VCCI, Liên minh hợp tác xã… Trong đó, đại diện Bộ LĐ-TB&XH giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng. Theo thông lệ, tháng 10-11 hàng năm, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp để lấy ý kiến các bên và thống nhất trình Chính phủ quyết định mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm sau.
Theo Dân trí