Sự việc gây xôn xao dư luận trong năm 2014 là việc đại gia Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) đã bị khởi tố, bắt tạm giam do vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Đ179 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, ông Hà Văn Thắm đã bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên HĐQT Ocean Bank.
Ông Thắm là người sáng lập Tập đoàn Đại Dương, từng đứng thứ 8 trong số những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010 với lượng cổ phiếu trị giá 1.800 tỷ đồng. Thậm chí, theo một chuyên gia tài chính – ngân hàng, nếu cân đo đong đếm chính xác, tổng tài sản của ông Thắm có thể lên tới trên 2 tỷ USD.
Ngoài ông Thắm, vận đen tiếp tục đeo đẳng các đại gia ngân hàng khi hồi cuối tháng 7/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố và bắt tạm giam ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), ông Mai Hữu Khương thành viên HĐQT VNCB, ông Phan Thành Mai nguyên TGĐ VNCB vì "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm quy định trong cho vay trong hoạt động của các TCTD". Ba nhân vật này đồng thời còn là lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và BĐS.
Một đại gia khác cũng vướng vòng lao lý là bà Châu Thị Thu Nga, ĐBQH khóa 13, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Housing Group. Bà Nga bị Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an khám xét nhà riêng, bắt tạm giam hôm 7/1/2015 vì nghi có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi triển khai dự án nhà chung cư - biệt thự B5 Cầu Diễn. Là đại diện của Housing Group, bà bị nhiều người tố cáo đã nhận tiền mua nhà của khách hàng từ năm 2009, cam kết dự án sẽ hoàn thành vào 2015 nhưng hiện đây chỉ là khu chung cư "trên giấy". Lô đất vẫn bỏ hoang.
Là đại diện của Housing Group, bà bị nhiều người tố cáo đã nhận tiền mua nhà của khách hàng từ năm 2009, cam kết dự án sẽ hoàn thành vào 2015 nhưng hiện đây chỉ là khu chung cư "trên giấy". Lô đất vẫn bỏ hoang.
Tính theo lịch ta, vận hạn của bà Nga vẫn rơi vào năm 2014.
Thiếu gia Cường Đôla : Lận đận làm ăn, tình duyên, xe cộ
Năm 2014 có lẽ là năm "hạn nặng" của thiếu gia Cường Đôla khi cả tình hình kinh doanh của công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG) và đời sống riêng của anh liên tiếp gặp khó khăn.
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý III và 9 tháng đầu năm 2014 của QCG, trong quý III, QCG lãi ròng 2,6 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 6,4 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng cho năm 2014.
Trong khi đó, tồn kho vẫn trên 4.100 tỷ đồng, chiếm hơn 90% tài sản ngắn hạn. Tiền và tương đương tiền tính tới cuối tháng 9 chỉ còn 1,8 tỷ đồng. QCG còn nợ các cá nhân hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó khoản phải trả cho bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT là 305 tỷ đồng và con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My 390 tỷ đồng.
Trong khi tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa thì đời sống riêng của Cường Đôla cũng gặp khó khăn. Tin đồn anh rạn nứt tình cảm với vợ là ca sĩ Hồ Ngọc Hà khiến dư luận hết sức quan tâm. Dù Cường Đôla liên tiếp để ảnh và status tình cảm lên trang cá nhân nhưng cũng không dẹp bỏ được tin đồn chia tay giữa hai người.
Tận những ngày cuối năm 2014, vận đen tiếp tục đeo đẳng Cường Đôla khi chiếc xe Audi được cho là đứng tên anh đã bất ngờ bị mất lái leo lên thềm và tông vào hàng chục người đang đứng chờ người thân ở sảnh trước nhà ga.
Vụ tai nạn khiến 11 hành khách đang đứng chờ người thân ở sảnh trước nhà Ga quốc tế Tân Sơn Nhất bị thương nặng, 1 người đã tử vong sau đó. Riêng ca sĩ Hồ Ngọc Hà chưa kịp vào xe nên may mắn thoát nạn.
Cùng với vợ, Cường Đôla tất bật thăm hỏi các nạn nhân, chịu toàn bộ chi phí bồi thường cũng như viện phí. Dù Cường Đôla đã bình tĩnh giải quyết hậu quả, song đây cũng là sự cố lớn khiến gia đình anh đau đầu trong những ngày cận Tết Ất Mùi.
Nữ đại gia soán ngôi năm 2015?
Năm 2015 hứa hẹn sẽ là năm thành công của các nữ đại gia. Một ví dụ điển hình là trường hợp của nữ đại gia Lê Thị Thúy Ngà, Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường, Hà Nội.
Tập đoàn bao gồm hai khách sạn 4 sao Nam Cường ở Hải Phòng và Hải Dương, đồng thời cũng là chủ đầu tư của các khu đô thị, dự án khách sạn hạng sang như Cổ Nhuế, Phùng Khoang, Dương Nội (Hà Nội), Đồ Sơn (Hải Phòng), Hòa Vượng (Nam Định)...
Nữ đại gia bất động sản có tiếng ở Việt Nam này được mệnh danh là “người phụ nữ thép”. Bà Ngà ít xuất hiện trước công chúng, trừ một số dịp đặc biệt hay sự kiện của doanh nghiệp.
Trong số tháng 1/2014, tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam.
Tiếp quản vị trí lãnh đạo Tập đoàn Nam Cường sau khi chồng là doanh nhân Trần Văn Cường qua đời đầu năm 2010 với tất cả tài sản, quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch cũ, bà Lê Thị Thúy Ngà cùng các con tiếp tục đưa Nam Cường phát triển đến ngày nay.
Theo giấy chứng nhận kinh doanh của Nam Cường, hiện vốn điều lệ của Tập đoàn này đạt 4.500 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân bà Ngà sở hữu lượng cổ phần trị giá xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm 88,86% cổ phần.
Theo số liệu CIC thì vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2011 của Nam Cường lên đến 9.800 tỷ đồng, tức gấp đôi vốn điều lệ.
Như vậy đồng nghĩa với lượng cổ phần của bà Ngà có giá trị sổ sách khoảng nhất là 8.700 tỷ đồng.
Giả sử như cổ phiếu của Tập đoàn Nam Cường được niêm yết trên sàn chứng khoán và giao dịch tại mức giá bằng với giá trị sổ sách thì với 8.700 tỷ đồng, bà Ngà sẽ vượt qua bầu Đức thành người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán sau chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Nếu tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) thì bà Ngà cũng vững chắc ở vị trí số 2.
Theo Đất Việt