Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình:

“Năm 2025, sẽ có hàng triệu nam giới bị ế vợ“

VietTimes – Mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, luôn là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm. Vì thế, bên lề hội nghị truyền thông về công tác dân số trong tình hình mới diễn ra sáng nay 10/10, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với Ths. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này. 
ThS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế). Ảnh: Minh Thúy
ThS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế). Ảnh: Minh Thúy

+ Thưa bà, bà có thế cho biết tỷ số giới tính khi sinh của nước ta hiện đang ở mức nào?

- Theo số liệu mới nhất, tỷ số giới tính khi sinh năm 2018 là 115 trẻ trai/100 trẻ gái. Điều này dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ dư thừa nam giới, tức là có tới 2,3-4,3 triệu nam giới không có cơ hội để xây dựng gia đình. Hậu quả là phụ nữ sẽ có xu hướng kết hôn sớm, kết hôn nhiều lần, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như HIV, bệnh lây qua đường tình dục,…

Vì thế, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đang tiếp tục triển khai đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh với nhiều giải pháp đồng bộ.

Đó là tăng cường truyền thông về hậu quả của bất bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh bởi nếu chúng ta không can thiệp quyết liệt, thì sẽ để lại hậu quả lâu dài.

Ths. Nguyễn Thị Ngọc Lan phát biểu tại hội nghị
Ths. Nguyễn Thị Ngọc Lan phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, Tổng cục DS-KHHGĐ còn phối hợp với các địa phương triển khai, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của nhà nước về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh.

Trao đổi với PV VietTimes, GS. TS. Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết: Khi nước ta chuyển sang giai đoạn già hóa dân số, sẽ gặp phải nhiều thách thức, điển hình là về sức khỏe của người cao tuổi; an sinh xã hội và việc làm cho người cao tuổi.

Thực tế cho thấy, nhu cầu việc làm cho người cao tuổi sau khi nghỉ hưu là rất lớn. Ngoài ra, việc chăm sóc người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn.

GS. TS. Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân)
 GS. TS. Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân)

Để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, chúng ta phải chủ động thích ứng với già hóa dân số, xây dựng một môi trường thân thiện với người cao tuổi.

Người cao tuổi cần cố gắng chủ động đảm bảo đời sống cá nhân, tự phục vụ, tiếp nhận hỗ trợ từ gia đình và xã hội.

Gia đình cần quan tâm chắm sóc, bảo vệ người cao tuổi, đồng thời, cộng đồng cần chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người cao tuổi.

Các doanh nghiệp nên tiếp nhận người cao tuổi để tạo việc làm cho họ.

Không chỉ vậy, nhà nước cần có trợ cấp, bảo hiểm cho người cao tuổi.

+ Việc cung cấp thông tin giới tính thai nhi cho các bà mẹ có dẫn tới việc lựa chọn giới tính thai nhi và phá thai không thưa bà?


- Tôi cho rằng cung cấp giới tính của thai nhi đối với các bà mẹ không hoàn toàn dẫn đến việc phá thai. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nạo phá thai do lựa chọn giới tính. Vì thế, cần có sự cam kết của các cơ sở y tế trong việc không cung cấp giới tính thai nhi và nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh các giải pháp truyền thông, tôn vinh vai trò của phụ nữ và trẻ em gái; hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề,…

Hiện đã có 58/63 tỉnh đã phê duyệt kế hoạch giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Bộ Y tế cũng đã có các hướng dẫn về vấn đề này.

+ Thực tế cho thấy, các gia đình ở thành phố lớn thường sinh ít con, tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn diễn ra khi tỷ lệ bé trai vẫn nhiều hơn bé gái. Xin bà cho biết ý kiến về vấn đề này?

-  Một số báo cáo cho thấy vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh thường xuất hiện ở những nơi vùng sâu, vùng xa,… điều kiện còn khó khăn, nhiều gia đình muốn sinh con trai để bổ sung vào lực lượng lao động.

Ở những thành phố lớn, với những gia đình có điều kiện, họ có cơ hội được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện, sinh ít con nhưng vẫn xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính. Đến nay chưa có báo cáo và các số liệu mới về vấn đề này nên không thể khẳng định được có hay không tình trạng mất cân bằng giới tính ở các đô thị, thành phố lớn.

+ Giải pháp nào để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh thưa bà?

- Tôi cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa tuyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh, để người dân có nhận thức rõ hơn về hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi và mất cân bằng giới tính khi sinh đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Từ đó, người dân nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong việc giải quyết vấn đề này.

+ Theo bà, chúng ta cần phải làm gì khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số?

- Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Hiện, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta chiếm hơn 60%. Theo dự báo quá trình chuyển giao từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già ở nước ta chỉ khoảng từ 10-20 năm. Một khó khăn rất lớn mà chúng ta đang phải đối mặt đó là hệ thống y tế, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là người cao tuổi.

Trước những thách thức đó, Chính phủ đã giao Bộ Y tế thực hiện các đề án, để đạt được các mục tiêu dân số theo tinh thần của Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu giải quyết toàn bộ các vấn đề về dân số, quy mô, cơ cấu phân bổ dân số để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” (2016 – 2025), đã phát triển các hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người ca tuổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng qua hệ thống tình nguyện viên và các cộng tác viên.

+ Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!