Hãng Bloomberg ngày 6/4 dẫn nguồn từ báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU), cơ quan nghiên cứu thuộc tạp chí The Economist, cho hay lương công nhân nhà máy của các nước như Indonesia, Việt Nam và Philippines sẽ được nâng cao trong thời gian sắp tới.
Theo đó, đến năm 2019, mức lương trung bình của công nhân ở Việt Nam là 3,16 USD/giờ (gần 68.700 VNĐ/giờ), ở Trung Quốc là 4,79 USD/giờ và ở Philippines là 3,15 USD/giờ. Trong khi đó, đến năm 2019, mức lương của công nhân Mỹ sẽ tăng 12%, lên 42,82 USD/giờ.
Báo cáo của EIU chỉ ra rằng lương công nhân Indonesia sẽ tăng lên nhiều trong thời gian tới với mức tăng 48%, giúp người lao động nước này rút ngắn khoảng cách lương từ mức lương chỉ bằng 1/76 lần người Mỹ hiện tại, xuống thành 1/58 lần vào năm 2019.
Bloomberg cho hay dân số trẻ ở Indonesia, Philippines và Việt Nam là yếu tố thu hút các nhà sản xuất, góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng lương ở 3 nước này.
Indonesia hiện đang gia tăng khả năng gia công sản xuất của nước này để tăng sức cạnh tranh của họ với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Còn Philippines thì đang cố gắng thu hút giới đầu tư đang tìm kiếm thị trường lao động có giá nhân công rẻ hơn Trung Quốc.
“Giá nhân công của Trung Quốc hiện nay đã cao hơn ở Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, những nước đang làm khá tốt để tận dụng tối đa đặc điểm này”, Bloomberg dẫn báo cáo của EIU cho hay.
Giá nhân công tăng kèm với thực trạng đồng tiền mạnh khiến Trung Quốc mất đi sức cạnh tranh, và Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ thực tế này, ông Frederic Neumann, đồng trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á tại Ngân hàng HSBC ở Hồng Kông cho biết. Trước đó, trong bài viết đăng ngày 23/3, Bloomberg cũng đưa ra nhận định về việc các hãng sản xuất bắt đầu chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Đơn cử, hãng sản xuất máy in Kyocera Document Solutions, một công ty con của Kyocera, đã có kế hoạch tăng gấp 4 lần sản lượng máy in hàng năm tại Việt Nam, lên con số 2 triệu đến thời điểm tháng 3/2018. Một phần hoạt động sản xuất của hãng này ở Trung Quốc được chuyển qua Hải Phòng, khiến Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất máy in lớn nhất của hãng này.
Theo Thanh niên