Trong đó khối Đảng, đoàn thể là 339 người; khối hành chính 1.204 người; khối sự nghiệp 5.999 người; khối cán bộ, công chức cấp xã 2.004 người; doanh nghiệp nhà nước 49 người.
Câu chuyện tinh giản biên chế vài năm lại được đặt ra và chưa bao giờ là dễ dàng. Đầu xuân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trao đổi với phóng viên báo chí một số nội dung xung quanh vấn đề này.
Tinh giản theo hướng "ra 2 vào 1"
Trước hết, Quyết định 2218/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, đến năm 2021 về cơ bản không tăng tổng biên chế so với biên chế được giao của năm 2015. Các Bộ, ngành, địa phương phải tự cân đối, điều chỉnh tổng biên chế hiện có nếu thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, việc triển khai quyết định này là hoàn toàn có tính khả thi bởi quản lý biên chế của chúng ta đã tập trung thống nhất. Bộ Chính trị đã thành lập một ban chỉ đạo thống nhất quản lý về biên chế trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tăng cường chỉ đạo Bộ Nội vụ kiểm soát chặt chẽ việc xác định theo chỉ tiêu và giao biên chế cho các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Khi triển khai thực hiện kế hoạch này, trách nhiệm của Bộ Nội vụ, của các cơ quan có thẩm quyền khác ở Trung ương, địa phương, HĐND, UBND cũng được nêu cao. Đối với các đơn vị thành lập mới, về cơ bản là không giao thêm biên chế, mà các cơ quan có thẩm quyền ở các bộ, các địa phương phải tự điều hòa biên chế trong cơ quan, tổ chức của mình để đảm bảo có đủ nguồn nhân lực cho tổ chức thành lập mới.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tinh giản biên chế còn thực hiện theo giải pháp là ra “2 vào 1”, tức là khi tinh giản biên chế 10 người thì chỉ có thể lấy vào 5 người, 5 người còn lại để dành cho việc bổ sung biên chế cho tổ chức mới thành lập. Như vậy mục tiêu không tăng biên chế trong giai đoạn từ nay đến năm 2021 là có khả năng thực hiện được.
Theo Thứ trưởng, quá trình thực hiện quản lý biên chế sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Thứ nhất là sức ép thành lập các tổ chức mới. Ví dụ như để đáp ứng yêu cầu về giáo dục, về chăm sóc sức khỏe cho người dân, các địa phương vẫn phải thành lập thêm các trường học, bệnh viện và khi có trường học, bệnh viện thì phải có thêm thầy giáo, thầy thuốc… Do đó, việc tinh giản biên chế và quản lý chặt chẽ biên chế cũng gặp khó khăn. Khi có đơn vị sự nghiệp thành lập mới, chúng ta phải xử lý như thế nào?
Trước mắt, vẫn phải điều hòa trong tổng biên chế mà các bộ, ngành, địa phương đang có. Thứ hai, không thể không bổ sung biên chế nhưng phải quản lý, kiểm soát một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, trong việc tinh giản biên chế và quản lý chặt chẽ biên chế hiện nay, sức ép từ các cơ quan đơn vị cũng rất lớn vì lý do phải có người để làm việc. Giải pháp để khắc phục khó khăn này là tiếp tục đẩy mạnh xác định vị trí việc làm.
Không phải “lăn tăn” về kinh phí nếu chất lượng công chức nâng lên
Về ngân sách chi 500 tỷ đồng phục vụ cho chính sách tinh giản biên chế, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, đó là việc làm cần thiết để giải quyết chính sách cho những người bị tinh giản, đảm bảo quyền lợi, cuộc sống của họ không bị xáo động. Đồng thời góp phần đảm bảo được sự ổn định trong đội ngũ, trong từng cơ quan tổ chức, khi tinh giản biên chế, công việc vẫn được tiến hành một cách bình thường. Tuy nhiên con số 500 tỷ đồng chỉ là kinh phí theo con số kế hoạch.
Trong quá trình thực hiện, các cơ quan có thẩm quyền vẫn thẩm tra, kiểm soát để đảm bảo tinh giản biên chế được thực hiện đúng đối tượng và tránh thất thoát. "Thông qua chính sách tinh giản biên chế và số kinh phí bỏ ra để thực hiện tinh giản biên chế mà chất lượng công chức được nâng lên thì tôi nghĩ giá trị của số kinh phí phải chi trả đó cũng không có điều gì phải suy nghĩ", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên sẽ góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân tốt hơn và đảm bảo được sự hài lòng của người dân đối với hoạt động trong các cơ quan hành chính nhà nước, củng cố được niềm tin của người dân đối với Đảng, đối với nhà nước trong điều kiện hiện nay.
Về ý kiến yêu cầu trong 5 năm tới phải giảm 10% biên chế tại mỗi bộ ngành, địa phương, nhưng riêng với ngành Hải quan và Thuế lại có cơ chế riêng, vẫn giữ nguyên biên chế, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: Tổng biên chế của Bộ Tài chính bao hàm cả biên chế ngành Thuế và Hải quan. Lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ tự điều hòa, cân đối việc tinh giản biên chế trong các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình để vẫn đạt được mục tiêu tinh giản biên chế đề ra.
Tổng biên chế của Bộ Tài chính trong kế hoạch tinh giản biên chế vẫn phải xác định là 10% tối thiểu. Hiện nay, Bộ Tài chính đã xác định xong vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức. Căn cứ vào vị trí việc làm cũng như các yếu tố ảnh hưởng, biên chế của ngành Hải quan và Thuế khi thực hiện tinh giản sẽ nằm chung trong kế hoạch tinh giản biên chế của Bộ Tài chính.
Tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là đưa một số tỷ lệ nhất định ra khỏi đội ngũ, mà chúng ta còn có trách nhiệm thu hút những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào trong các cơ quan, tổ chức đó, đánh giá, phân loại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công tác, nâng cao kỷ luật, kỷ cương… để đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ. Đó cũng chính là những nội dung liên quan đến tinh giản biên chế mà không nhất thiết chỉ đơn thuần là giảm số lượng.
Theo CAND