Mỹ: Tàu sân bay Trung Quốc chỉ là “hổ giấy“

VietTimes -- Cho tới khi Trung Quốc tự phát triển được một tàu sân bay nội địa với máy phóng bằng hơi nước hoặc điện từ, hải quân Trung Quốc sẽ không thể có được một tàu sân bay có thể sánh được với mẫu hạm lớp Nimitz hoặc hiện đại hơn là lớp Ford của Mỹ, tạp chí National Interest (Mỹ) nhận xét.
Máy bay J-15 (nhái Su-33 Nga) của Trung Quốc cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Kiểu cất cánh cầu bật giới hạn lượng vũ khí máy bay mang theo và không cất cánh được các máy bay cỡ lớn
Máy bay J-15 (nhái Su-33 Nga) của Trung Quốc cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Kiểu cất cánh cầu bật giới hạn lượng vũ khí máy bay mang theo và không cất cánh được các máy bay cỡ lớn

Những tàu sân bay của hải quân Trung Quốc sẽ không thể tiến hành những hoạt động ở khu vực khơi xa theo cách mà các mẫu hạm Mỹ đang thực hiện. Hải quân Trung Quốc cũng sẽ không thể có năng lực phóng chiếu toàn cầu như những gì các hạm đội siêu tàu sân bay Mỹ đã làm. Đó là đánh giá của cơ quan tình báo Lầu Năm Góc.

“Các tàu sân bay họ đang chế tạo sẽ không không có năng lực hoạt động viễn dương như các tàu sân bay của chúng ta. Họ cũng không có khả năng thực thi tác chiến đường không như chúng ta đang sử dụng các mẫu hạm”, thiếu tướng Vincent Stewart, giám đốc cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ phát biểu trước Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 2/2.

Theo tướng Stewart, các tàu sân bay Trung Quốc (hiện nay mới chỉ có tàu Liêu Ninh được cải hoán từ tàu cũ mua lại từ Ukraine, Trung Quốc được cho là đang tự đóng 2 tàu sân bay nội địa), sẽ chỉ có thể tập trung hoạt động tại các vùng biển khu vực xung quanh Trung Quốc. Chủ yếu các nỗ lực của Trung Quốc dường như nhằm hậu thuẫn cho yêu sách chủ quyền phi lý đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và cái gọi là “đường chín đoạn” do Trung Quốc ngang ngược nặn ra, không được luật pháp quốc tế công nhận.

Tàu sân bay Liêu Ninh hiện có của Trung Quốc có lượng giãn nước 55.000 tấn, được chế tạo tại Ukraine trước khi Liên Xô sụp đổ, chỉ bằng khoảng một nửa so với kích cỡ một tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Hơn nữa, tàu sân bay Trung Quốc vẫn dùng công nghệ cất cánh kiểu cầu bật chứ không được trang bị hệ thống máy phóng hiện đại, khiến hạn chế khả năng cất cánh các máy bay cỡ lớn hơn và các chiến đấu cơ mang được ít vũ khí hơn của Mỹ.

Được biết, tàu sân bay nội địa Trung Quốc đang chế tạo ở xưởng đóng tàu Đại Liên cũng dựa trên mẫu đề án thiết kế của Nga, tương tự các tàu Liêu Ninh và Đô đốc Kuznetsov.

Trung Quốc rất tự hào với tàu sân bay, dù nó không thể sánh với tàu sân bay Mỹ
Trung Quốc rất tự hào với tàu sân bay Liêu Ninh, dù nó không thể sánh nổi tàu sân bay Mỹ

Điều đó có nghĩa cho tới khi Trung Quốc tự phát triển được một tàu sân bay nội địa với máy phóng bằng hơi nước hoặc điện từ, hải quân Trung Quốc sẽ không thể có được một tàu sân bay có thể sánh được với mẫu hạm lớp Nimitz hoặc hiện đại hơn là lớp Ford của Mỹ.

Tuy nhiên National Interest đánh giá, trong bối cảnh Bắc Kinh đang phát triển được công nghệ tốt hơn và xây dựng các căn cứ ở nước ngoài, hải quân Trung Quốc sẽ vươn ra toàn cầu. Đã có những chỉ báo về việc Trung Quốc đang làm việc đó. “Một số hải trình hiện nay đã vươn tới các cảng biển ở châu Phi và công nghệ tàu ngầm của họ cho thấy một năng lực toàn cầu lớn hơn trên biển”, tướng Stewart nhận định.

Chỉ thời gian mới trả lời được hải quân Trung Quốc tiến bộ ra sao với thời gian. Song bất chấp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Bắc Kinh vẫn tiếp tục mở rộng năng lực quân sự của mình, mặc dù có giảm mức chi tiêu ngân sách quốc phòng, National Interest kết luận.

T.N