Trong khi cuộc chiến quốc tế chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và cuộc đàm phán hạt nhân với Iran nhấn mạnh ảnh hưởng ngày càng tăng lên của Nga trong các thách thức quốc tế nghiêm trọng trên thế giới, Washington ngày càng lo ngại do thiểu hiểu biết về địch thủ số một một thời đang cho thấy đó là một nguy cơ an ninh quốc gia.
Theo The Washington Post, các quan chức hàng đầu về tình báo và an ninh quốc gia Mỹ, bao gồm các tướng lĩnh cao cấp NATO đã cảnh báo rằng hiểu biết sâu sắc và khả năng thu thập thông tin về Nga của Mỹ đã tiêu tan, khiến cái giá phải trả cho các cuộc xung đột và một Kremlin khó lường gây đe dọa lớn đối với các lợi ích của Mỹ.
Giới chuyên gia, nghị sĩ và các cựu quan chức mô tả một bộ máy an ninh quốc gia với các chuyên gia giàu kinh nghiệm về Nga, bao gồm cả ở các ra quyết sách cấp cao nhất, hiện nay phụ thuộc vào đội ngũ chuyên gia trẻ thiếu nghiên cứu và hiểu biết thấu đáo về Nga. Hậu quả là dẫn tới hàng loạt những cơ hội bị "hố nặng" do không thể dự báo trước được các động thái gần đây của Nga như cuộc khủng hoảng Ukraine và chiến dịch quân sự tại Syria, thậm chí ngay cả khi xuất hiện những đầu mối rõ ràng.
“Chúng ta đã kinh ngạc trước mọi diễn biến. Chúng ta kinh ngạc khi họ tiến vào Crimea, chúng ta tiếp tục kinh ngạc khi họ tới Syria”, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain thừa nhận. Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ Richard Burr thì nói rằng đã có sự “teo tóp” trong việc đánh giá về chính phủ Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh, một xu hướng cần thiết phải sửa chữa ngay.
Trong những tháng gần đây, giới chức quân sự và tình báo Mỹ liên tục nêu Nga như một mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ, nhưng các nguồn lực dành cho các khảo sát cần kíp để có một hiểu biết về Moscow và những kế hoạch của Nga đã không phản ánh thực tế này.
“Sau sự kiện 11/9, đã có sự tập trung, cố gắng tăng cường tập trung vào Trung Đông và điều đó đã gây ra hậu quả”, cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul, đồng thời là cựu cố vấn của tổng thống Mỹ Barack Obama về Nga và Á-Âu nhận xét. So sánh với 15 năm trước đó, ông McFaul lưu ý rằng đội ngũ các chuyên gia và chất lượng các phân tích về lục địa Á-Âu rất “nông cạn”.
“Nỗ lực vạch quyết sách ở Nga về chính sách đối ngoại đòi hỏi rất nhiều sự thâm sâu và nó cũng đòi hỏi sự đầu tư và hiểu biết mới. Chúng ta sẽ luôn bất đồng với Kremlin và với người Nga về một số vấn đề, nhưng điều tồi tệ chúng ta gặp là sự bất đồng dựa trên nhận thức sai lầm và thông tin kém”, ông McFaul nói.
Rất khó định lượng chính xác sự thiếu hụt trong nghiên cứu, khảo sát về Nga kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, trong bối cảnh hiểu biết của những cá nhân nắm giữ một số vị trí trọng yếu lại biến đổi. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đã có sự giảm sốc về số lượng binh sĩ và nhân viên phục vụ tại châu Âu, những người thực hiện nhiệm vụ với sự hiểu biết và sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa xuất phát từ phía Nga.
Tại Mỹ, các chuyên gia chỉ ra tình trạng thiếu tại trợ cho việc giảng dạy ngoại ngữ tại các trường đại học, sụt giảm tài trợ các chương trình trao đổi văn hóa với các nước thuộc Liên Xô cũ và sự thiếu vắng các chương trình lớn về nghiên cứu về Nga cũng như các nước lân bang là dấu hiệu lý giải tại sao chính phủ Mỹ gặp vấn đề rắc rối để phát triển một đội ngũ chuyên gia về Nga.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng trừ một số ít gương mặt như Celeste Wallander, giám đốc đặc trách về Nga và Á-Âu tại Hội đồng An ninh quốc gia và Victoria Nuland, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, rất khó tìm được các quan chức chính phủ cấp cao sâu sát về Nga, có hiểu biết về đất nước và lãnh đạo Nga. Giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson là Matthew Rojansky thừa nhận không có lấy một người có thể đọc báo tiếng Nga.
Một số nghị sĩ biện bạch cho sự đi xuống như vậy là bình thường trong bối cảnh chính quyền bị hạn chế về nguồn lực và cho rằng việc thu thập tình báo và hiểu những gì Kremlin định làm chưa bao giờ dễ dàng. “Nga là một mục tiêu hết sức khó khăn theo mọi cách: họ rất tinh vi về điện tử, họ có hoạt động an ninh tốt và các nhà quyết sách của Nga nằm trong một cơ chế rất nghiêm ngặt, tập trung chỉ một nhóm rất nhỏ xung quanh Putin. Điều đó khiến cho việc dự báo cực kỳ khó khăn”, ông Adam Schiff, thành viên Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ thừa nhận.
Theo các chuyên gia, đó là hậu quả không tránh khỏi cho tới khi Mỹ lấy lại thời gian đã mất và xây dựng lại một đội ngũ chuyên gia về Nga, Mỹ sẽ vẫn chịu bất lợi về chiến lược.
“Sai lầm đã bắt đầu từ 20 năm trước khi cho rằng Nga là một quốc gia yếu ớt, một cường quốc đang suy tàn. Nhưng họ là một cường quốc lớn, nằm trong top 5 hoặc 10 nền kinh tế lớn của thế giới, một quốc gia hạt nhân hàng đầu thế giới và hiện nay hãy nhớ rằng do việc Putin đầu tư cho quân đội, Nga là một trong những cường quốc quân sự trên thế giới. Những xu hướng đó sẽ không thay đổi trong vòng 20-30 năm tới”, cựu đại sứ McFaul cảnh báo.
TN (theo Washington Post)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu