Cục diện Ukraine chưa yên ổn, Nga lại quyết đoán mở “chiến trường thứ hai” tại Syria. Các đợt không kích dồn dập nhằm vào tổ chức khủng bố cực đoan “Nhà nước hồi giáo tự xưng” ISIS mà quân đội Nga triển khai trên lãnh thổ Syria thời gian vừa qua là lần đầu tiên Nga can thiệp vũ lực vào khu vực Trung Đông kể từ khi Liên Xô giải thể.
Có thể các phần tử cực đoan IS không thể ngờ rằng Nga lại bất ngờ can thiệp vào cuộc chiến chống khủng bố, thậm chí việc nã tên lửa hành trình vào IS trên đất Syria cũng phù hợp với phong cách ra đòn của tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mạnh tay để dằn mặt Mỹ
4 năm về trước, quân cờ Domino “mùa xuân Arab” tràn vào Syria, các cuộc biểu tình leo thang thành xung đột, xung đột diễn biến thành nội chiến, các nước lớn thì tính toán cho lợi ích của riêng mình.
Tại khu vực chân không tiếp giáp giữa Syria và Iraq, “Nhà nước hồi giáo” IS tranh thủ thời cơ mở rộng lực lượng. Sau khi chiếm lĩnh vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq, Is lại tiến về phía Tây, kiểm soát miền Đông Syria, áp sát thủ đô Damascus. Châu Âu là khu vực chịu nhiều thiệt hại hơn cả.
Chủ nghĩa khủng bố hoành hành là nguyên nhân trực tiếp tác động mạnh mẽ đến phong trào nhập cư sang châu Âu. Khi làn sóng dân di cư dồn đến cửa nhà, châu Âu mới thực sự nếm mùi quả đắng của chiến tranh, họ ý thức được mức độ cấp bách của việc tiêu diệt tận gốc các tổ chức cực đoan như “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” IS. Lúc này, Nga can thiệp vào chiến dịch chống khủng bố ở Syria, mặc dù các nước châu Âu có nhiều tâm trạng khác nhau, nhưng đều tán thành quyết định này của Nga.
Trước khi tổng thống Putin xuất binh sang Syria, Mỹ luôn đóng vai chính trong cuộc chiến chống khủng bố ở quốc gia này, tuy nhiên hiệu quả không thật sự lý tưởng. Trong đó một nguyên nhân quan trọng là, khi truy quét IS ở Iraq, Mỹ có thể hợp tác với quân đội chính phủ, trong khi ở Syria lại không được như vậy, vì tổng thống Bashar al-Assad của nước này là nhân vật mà Mỹ luôn muốn lật đổ. Điều này khiến nước Mỹ vô cùng mâu thuẫn, nhưng lại cho Nga cơ hội hiếm có để can thiệp vào các sự vụ ở Trung Đông.
Một điều có thể khẳng định là, việc Nga can thiệp vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria là lợi dụng nhu cầu cấp bách của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động truy quét tổ chức cực đoan, xây dựng liên minh mới truy quét IS lấy quân đội chính phủ Syria làm chủ đạo. Điều này sẽ giúp cho lợi ích của Nga tại Syria được mở rộng tối đa, từ đó giúp Nga gây dựng lại được độ ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.
Ngoài việc mở rộng lợi ích tại khu vực này, nếu giúp được tình hình chống khủng bố phát triển theo chiều hướng tích cực thì nước Nga còn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, thay đổi cục diện bị động ở Ukraine, tiếp tục tích lũy nội lực để đối chọi với Mỹ.
Hai chiến trường không thể lùi bước
Một bên là cấp tập can thiệp vào xung đột ở Syria, một bên là xung đột Ukraine ngày càng lún sâu, Ukraine và Syria đã trở thành hai chiến trường Đông Tây của Nga. Trong lĩnh vực quân sự, tác chiến ở hai tuyến thường là hạ sách, tuy nhiên một nhân vật quyết đoán nổi tiếng với bàn tay sắt như tổng thống Putin lại không nghĩ như vậy.
Trong bối cảnh Mỹ hạn chế tối đa không gian chiến lược của Nga như hiện nay, Moscow cho rằng Syria có giá trị ngang tầm với Ukraine, không thể từ bỏ bất cứ bên nào. Nước Nga muốn xây dựng vị thế nước lớn trên toàn cầu thì Ukraine và Syria là hai chiến trọng yếu không thể bỏ lỡ bên nào. Ukraine là bức bình phong cuối cùng chặn đứng mối đe dọa quân sự của NATO đối với Nga, còn Syria là điểm tựa cuối cùng để Nga phát huy ảnh hưởng ở Trung Đông.
Từ sự giải thể của Liên Xô tới của Cách mạng màu ở Đông Âu, những đồng minh truyền thống dưới thời Liên Xô ngày càng xa nước Nga hơn, độ ảnh hưởng của Nga trong khu vực ngày càng hẹp dần, an ninh nước Nga vấp phải mối đe dọa từ phía Đông Âu và Trung Đông. Cuối cùng, cuộc khủng hoảng ở Syria và cuộc chính biến ở Ukraine đã ép nước Nga không có đường lùi.
Trong lịch sử, Trung Đông chính là chiến trường chủ đạo của cuộc đấu trí giữa Mỹ và Liên Xô, cả hai đều có thắng thua, được mất. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Mỹ thừa thế công, còn nước Nga thiếu thế thủ, đặc biệt là năm 2011, làn sóng chống chính phủ mà phương Tây ủng hộ càn quét Tây Á và Bắc Phi, các cường nhân chính trị ở Trung Đông vốn có tình thâm giao với Nga lần lượt sa cơ, gần như nước Mỹ độc quyền ở khu vực này, chỉ còn để lại cho Nga một người anh em yếu thế là Syria. Cho dù thế nào, nước Nga cũng không thể cho phép chính quyền Syria rơi vào tay phe đối lập do phương Tây dựng lên.
Chính vì những lý do trên, sau khi khủng hoảng ở Syria bùng phát, Nga kiên định ủng hộ chính quyền tổng thống Bashar al Assad, tăng cường viện trợ quân sự cho chính quyền này, đồng thời năm lần 7 lượt phủ quyết nghị quyết của Liên hợp quốc về việc quân đội nước ngoài can thiệp vào xung đột ở Syria. Những cuộc đối chọi trong vấn đề này cũng khiến quan hệ hai nước Nga – Mỹ rơi vào tình trạng đóng băng. Hiện tại, cục diện Syria đã có thay đổi nhỏ, chủ lực lật đổ chính quyền tổng thống Bashar al Assad, phe đối lập do Mỹ ủng hộ đổi thành “Nhà nước Hồi giáo” – kẻ thù chung của thế giới. Và thế là cơ hội của nước Nga đã đến.
Đối với việc Nga dẫn đầu quân đội chính quyền tổng thống Bashar al Assad truy quét tổ chức khủng bố cực đoan, dù là không đồng ý, nước Mỹ cũng rất khó có lý do phản đối. Trên thực tế, quân đội chính phủ Syria dưới sự dẫn dắt của tổng thống Bashar al Assad có thực lực nhất định. Chỉ cần liên minh do Mỹ lãnh đạo không thể giành được thắng lợi mang tính quyết định trong chiến dịch truy quét IS thì tình thế vẫn có lợi cho Moscow.
Con át chủ bài đột phá vòng vây
Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, mối quan hệ giữa hai nước Mỹ - Nga mặc dù đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhưng xét về tổng thể vẫn tìm được một vài tiếng nói chung giữa nhiều mâu thuẫn.
Ví dụ, tháng 9/2013, khi nghi án Syria sử dụng vũ khí hóa học khiến cuộc đại chiến thế giới chuẩn bị nổ ra thì bất ngờ Nga đưa ra lời đề nghị “tiêu hủy vũ khí hóa học đổi lấy hòa bình”, giúp Mỹ, chính quyền tổng thống Bashar al Assad và phe đối lập có nấc thang để xuống, xoa dịu cục diện căng thẳng thời điểm đó.
Nhưng sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, mối tương tác chính trị quốc tế hiếm có như thế giữa Nga và Mỹ không còn nữa, thay vào đó là các vòng chế tài và chống chế tài liên tiếp. Trong thời gian này, cái gọi là tương tác chính trị giữa hai bên gần như chỉ còn lại những lời chỉ trích và hạ bệ lẫn nhau, cho dù là cuộc khủng hoảng Crimea, xung đột ở miền Đông Ukraine hay cuộc chiến chế tài ai đúng ai sai.
Do thực tế phe thân Mỹ ở Ukraine nắm quyền đã không thể thay đổi, các nước đồng minh trong khu vực như Belarus, Kazakhstan... không muốn bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, tổng thống Putin đơn thương độc mã ngay từ đầu đã rơi vào thế thủ. Cộng với vụ tai nạn máy bay MH17 xảy ra hồi tháng 7/2014 và những biểu hiện không tốt trong cuộc chiến dư luận, khiến nước Nga rơi vào hoàn cảnh bị động trong cuộc đấu trí với Mỹ, đành phải gặp chiêu thì tìm cách phá.
Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của cục diện quốc tế, cuộc khủng hoảng Ukraine dần dần bị dư luận lãng quên, sự hoành hành IS với các vụ tấn công khủng bố dồn dập đầu tháng 12 vừa qua và làn sóng nhập cư dồn ép châu Âu đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận. Đồng thời, việc ký kết thành công Hiệp định hạt nhân Iran hồi tháng 7/2015 cũng tăng thêm sự tự do cho nước Nga trong các vấn đề Trung Đông, giúp Moscow có cơ hội can thiệp vào cục diện Syria. Không chỉ dừng lại ở đó, việc giải quyết vấn đề chống khủng bố ở Syria ngày càng cấp thiết, cuối cùng đã cho Nga và Mỹ cơ hội xích lại gần nhau hơn.
Mặc dù Mỹ không đồng thuận với phương thức Nga liên kết chính quyền tổng thống Bashar al Assad truy quét “Nhà nước Hồi giáo”, nhưng ít nhất hai nước đã khôi phục lại được những đối thoại có ý nghĩa tích cực về vấn đề chống khủng bố tại Syria. Nếu không, cũng đã không có cuộc hội ngộ giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Obama của hai nước tại Đại hội Liên hợp quốc ngày 28/9 vừa qua.
Hiện tại, Nga đưa chiến dịch truy quét khủng bố tại Syria vào chương trình nghị sự của hai bên, cho thấy tổng thống Putin đã dịch chuyển chủ đề tranh luận với các nước phương Tây – từ “có xâm phạm chủ quyền Ukraine hay không” chuyển sang “làm thế nào để truy quét chủ nghĩa cực đoan”. Do tính cấp thiết của việc truy quét chủ nghĩa khủng bố, Mỹ và các nước lớn của châu Âu thể hiện thái độ mặc nhận trước hành động của Nga tại Syria. Lúc này, vấn đề mà phương Tây xem xét nhiều hơn là làm thế nào để có thể tìm được nhiều tiếng nói chung với Nga trong vấn đề này, từ đó có thể truy quét một cách hiệu quả chủ nghĩa cực đoan tại Syria.
Sự thay đổi này đã khiến Moscow chiếm được thế chủ động trong cuộc đối đầu với Nhà Trắng. Trước đó, những biểu hiện của Nga trong vấn đề Ukraine vấp phải sự phản đối quyết liệt của tất cả các nước phương Tây, mỗi bước đi của tổng thống Putin trong cuộc đối đầu với Mỹ đều hết sức chật vật. Do đó, Nga buộc phải chủ động xuất kích, tìm ra điểm tiếp cận để chiến thắng đối thủ. “Đảo nóng” lại vấn đề Syria chính là một nước cờ cao tay của tổng thống Nga Putin.
Còn việc Nga có dựa vào điều này để thay đổi cục diện “Chiến tranh lạnh” mới hay không vẫn rất khó nói, nhưng có lý do phán đoán, Nga vì cuộc khủng hoảng Crimea mà vấp phải sự khiển trách về đạo nghĩa của cộng đồng quốc tế, những nỗ lực trong chiến dịch tấn công IS có thể giúp Moscow “lấy công chuộc tội”. Khi tổng thống Putin chấp nhận xuất quân giải quyết vấn đề chống khủng bố ở Syria, tiễu trừ căn nguyên gây ra cuộc khủng hoảng nhập cư, chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ không từ chối, và đây cũng sẽ trở thành cơ sở để Nga thiết lập lại sự hợp tác với phương Tây.
Theo QPAN