Các cơ quan Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (General Services Administration - GSA) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) hôm 7/8 đã tiến hành sửa đổi Điều lệ Mua sắm Liên bang (FAR) dựa theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia năm tài khóa 2019.
Thông báo này chủ yếu cấm các cơ quan liên bang mua hoặc có được, gia hạn hoặc tiếp tục ký mới hợp đồng để mua hoặc có được bất kỳ thiết bị, hệ thống và dịch vụ nào sử dụng thiết bị hoặc dịch vụ viễn thông của các công ty Trung Quốc liên quan. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 13/8. Các công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách bị cấm bao gồm Huawei, ZTE, Hikvision, Dahua Technology và Hainengda.
Hikvision - công ty hàng đầu thế giới về thiết bị giám sát cũng bị đưa vào danh sách cấm mua sản phẩm
|
Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2019 với lý do liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, nghiêm cấm chính phủ liên bang sử dụng ngân sách để mua sắm một số sản phẩm truyền thông đặc biệt. Hồi tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt kê Huawei vào “danh sách thực thể” (Entity List) với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Nếu không có giấy phép đặc biệt, các công ty Mỹ nói chung không thể bán các linh kiện, cấu kiện cho các thực thể trong danh sách.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Trump để mở lại cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, sau cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhật Bản vào tháng 6/2019 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, đã nói rằng ông sẽ cho phép các công ty Mỹ bán sản phẩm cho Huawei - nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Vào cuối tháng 7, khi gặp các giám đốc điều hành của 7 công ty công nghệ lớn, ông Trump cũng hứa sẽ cấp giấy phép xuất khẩu cho các nhà cung cấp Mỹ để bán sản phẩm cho người khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.
Nhưng, chỉ trong vài ngày qua, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bùng cháy trở lại, vòng đàm phán thương mại mới nhất được tổ chức tại Thượng Hải đã không có kết quả, khiến ông Trump công bố áp mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc còn lại. Đáp lại, Trung Quốc đã đình chỉ mua sắm nông sản của Mỹ và đưa ra biện pháp phá giá đồng Nhân dân tệ. Hành động này của Trung Quốc đã khiến Mỹ lập tức coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ - điều chưa từng có trong 25 năm qua.
Ông Andy Purdy, Vụ trưởng An ninh chi nhánh Huawei Mỹ phủ nhận việc Huawei bị chính phủ Trung Quốc hoặc cơ quan tình báo khống chế
|
Về phản ứng của phía Trung Quốc, người phát ngôn Công ty Hikvision ra tuyên bố nói, công ty luôn tuân thủ pháp luật và quy định của các quốc gia nơi công ty hoạt động kinh doanh, nỗ lực bảo đảm sản phẩm của mình phù hợp yêu cầu an ninh của chính phủ Mỹ. Các công ty Huawei, ZTE và Hainengda chưa đưa ra trả lời yêu cầu bình luận, còn Dahua thì không liên lạc được.
Là một hãng viễn thông hàng đầu thế giới, Huawei luôn bác bỏ những cáo buộc của Washington cho rằng họ có quan hệ mật thiết với chính phủ và có hành vi hoạt động gián điệp, nhưng Huawei luôn phủ nhận cáo buộc họ bị chính phủ hoặc cơ quan tình báo khống chế. Ông Andy Purdy, Vụ trưởng An ninh chi nhánh Huawei Mỹ khi trả lời phỏng vấn đài CNBC đã nói: Huawei có lẽ là công ty bị điều tra và đánh giá nhiều nhất trên thế giới. Ông đã bày tỏ trước việc Mỹ và Australia cấm các thiết bị của Huawei: “Muốn cấm thì cấm, nhưng hãy tự cầu nguyện đi bởi mạng của các vị không an toàn đâu”.