Dự án Phòng, Chống HIV bền vững từ Hỗ trợ Kỹ thuật (SHIFT) do tổ chức FHI 360 triển khai sẽ củng cố năng lực con người, tổ chức và các hệ thống để dẫn dắt hoạt động phòng, chống HIV trên cả nước.
“Dự án sẽ mở rộng các dịch vụ trong toàn bộ chuỗi dịch vụ chăm sóc HIV từ chẩn đoán đến điều trị thành công tại các tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhằm đạt được mục tiêu “90-90-90” về phát hiện ca nhiễm, chăm sóc và điều trị HIV”, ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết.
Theo đó, dự án cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật dựa trên nhu cầu ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện để xây dựng các hệ thống và dịch vụ HIV bền vững.
Ước tính có 260.000 người chung sống với HIV tại Việt Nam tính đến năm 2016. Trong những năm gần đây, số ca nhiễm HIV mới đã giảm. Năm 2014, Việt Nam là nước châu Á đầu tiên cam kết thực hiện các mục tiêu 90-90-90 do Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đề ra, theo đó: đến năm 2020, 90% số người chung sống với HIV biết tình trạng HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị và 90% số người được điều trị kiểm soát được tải lượng virus HIV ở mức thấp (hay còn gọi là ức chế virus).
USAID bắt đầu hỗ trợ các chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam từ giữa thập niên 90. Vào tháng 6/2004, ngân sách phòng, chống HIV/AIDS cho Việt Nam tăng lên đáng nhờ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR). Trong khuôn khổ PEPFAR, USAID phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác của Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam ở cấp trung ương, cấp tỉnh và huyện để hỗ trợ các mục tiêu được xác định trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam
Từ năm 2005, Chính phủ Mỹ thông qua chương trình PEPFAR đã hỗ trợ điều trị bằng thuốc kháng virus giúp kéo dài cuộc sống cho gần 57.000 người, chăm sóc hơn 62.000 người lớn và trẻ em trên cả nước. Chỉ tính riêng trong năm vừa qua, các hoạt động do PEPFAR hỗ trợ đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV cho hơn 375.000 người và điều trị thay thế bằng methadone cho 25.000 người.