Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp bí mật tàu ngầm và tên lửa siêu âm

VietTimes -- Theo The Washington Post, trong  tháng 01 và 02. 2018, Các hackers được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đã xâm nhập vào các máy tính, kết nối với các máy của nhà thầu chính cho hải quân Mỹ. Hackers đã truy cập vào cơ sở dữ liệu có độ nhạy cảm cao và đánh cắp được các nội dung quan trọng này.
Ảnh minh họa haceread.com
Ảnh minh họa haceread.com

Những dữ liệu bị đánh cắp có liên quan đến cuộc chiến tranh ngầm trong lòng biển sâu. Những kế hoạch tương lai có liên quan đến sự phát triển các tên lửa siêu âm chống tàu, sẽ được cung cấp cho hạm đội tàu ngầm Mỹ vào năm 2020.

Nhà thầu Hải quân Mỹ đang hướng đến sự phát triển loại vũ khí chưa được các quan chức Mỹ định danh dành cho Trung tâm Tác chiến ngầm (Naval Undersea Warfare Center  - NUWC). Đây là một trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, kiểm tra và đánh giá, phát triển kỹ thuật cho hạm đội tàu ngầm Mỹ, nghiên cứu phát triển các hệ thống tàu ngầm không người lái, hệ thống vũ khí tấn công và phòng thủ trong cuộc chiến tranh dưới đáy biển.

Cuộc điều tra ban đầu cho thấy tin tặc đã lấy trộm được 614 gigabyte dữ liệu lưu trữ trên mạng điện toán và chưa được nhà thầu phân loại. Khối dữ liệu khổng lồ này có liên quan một dự án gọi là Sea Dragon, đang được phát triển, các tín hiệu sử dụng và dữ liệu về những cảm biến dưới mặt nước, những thông tin của phòng radio tàu ngầm, liên quan đến các hệ thống mật mã và thư viện điện tử chiến tranh được các đơn vị tàu ngầm của hải quân Mỹ phát triển.

Nhưng The Washington Post đã bị kiềm chế không công bố thêm chi tiết về vụ tấn công và đồng ý giữ lại các chi tiết cụ thể về dự án tên lửa siêu âm chống ngầm theo yêu cầu của Hải quân kể từ khi cuộc điều tra đang được tiến hành.

Cuộc chiến không gian mạng giữa Trung Quốc và Mỹ đã diễn ra trong nhiều năm. Trước đó, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) tấn công ba nhà khai thác dịch vụ di động lớn, thu thập hàng triệu dữ liệu SMS.

Tháng 05. 2013, tin tặc Trung Quốc đột nhập truy cập vào hệ thống vũ khí chiến lược Mỹ. Trong cuộc tấn công không gian mạng này, hơn 24 hệ thống vũ khí then chốt đã bị ảnh hưởng bao gồm hệ thống chỉ huy, điều hành máy bay chiến đấu, hệ phòng thủ tên lửa, chỉ thống chỉ huy kiểm soát chiến hạm hải quân và trực thăng.

Tháng 03.2018, nhóm hackers APT15, được cho là có liên quan đến tình báo Trung Quốc bị cáo buộc xâm nhập hệ thống máy tính nhà thầu quân sự chính phủ Anh để đánh cắp thông tin bí mật công nghệ quân sự Vương quốc Anh, tấn công bằng các phần mềm độc hại.

Những cáo buộc liên tiếp về các cuộc tấn công trên không gian ảo cho thấy, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các hệ thống máy tính của các quốc gia không có cách nào thoát khỏi các cuộc tấn công không gian ảo của hacker. Những phát triển vũ khí, trang thiết bị hiện đại không bao giờ thoát khỏi mạng máy tính và công nghệ của các siêu cường luôn là miếng mồi ngon cho hacker các quốc gia còn lại. Đặc biệt là Trung Quốc, nơi đang phát triển công nghệ điện tử viễn thông mạng nhanh nhất toàn cầu.

Theo các chuyên gia, hiện tại quân đội Mỹ ở thế thượng phong do có được đội tàu ngầm, có khả năng tấn công hạt nhân, cùng nhiều chiến hạm trang bị tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc và Nga đang cố bắt kịp. Do đó, tin tặc Trung Quốc bị cho là liên tục tìm cách thâm nhập vào hệ thống tin học của quân đội Mỹ để đánh cắp thông tin.

Mới đây, Lầu Năm Góc đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh đã chiếm đoạt được nhiều thông tin quan trọng về chiến đấu cơ tàng hình F-35 thế hệ mới, cũng như hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot.

Thông tin mà Washington Post vừa đăng tải có nguy cơ khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vốn đã tồi tệ càng thêm căng thẳng. Cùng với các nỗ lực quân sự hóa trái phép Biển Đông, hoạt động của tin tặc Trung Quốc là lý do khiến Bộ Quốc phòng Mỹ hủy bỏ kế hoạch mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn thường niên RIMPAC hồi cuối tháng 5/2018