Mỹ cảnh báo: Trung Quốc sắp vượt qua Nga để trở thành mối đe dọa hạt nhân hàng đầu đối với Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ ngày 27/8 đã xác nhận rằng với tốc độ phát triển nhanh chóng và có tính đột phá của Trung Quốc, Mỹ cần cấp bách cải thiện hiệu quả và khả năng của hệ thống vũ khí hạt nhân của mình.
Tên lửa liên lục địa DF-41, lực lượng tấn công hạt nhân chủ yếu của Trung Quốc hiện nay (Ảnh: Reuters).
Tên lửa liên lục địa DF-41, lực lượng tấn công hạt nhân chủ yếu của Trung Quốc hiện nay (Ảnh: Reuters).

Tướng Thomas Bussiere, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM) đã cảnh báo rằng tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân nhanh chóng của Trung Quốc sẽ khiến họ sớm vượt qua Nga và trở thành mối đe dọa hạt nhân số một đối với Mỹ; trong khi đó, hai nước không có bất kỳ cơ chế nào để tránh bùng nổ của một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ hủy diệt nền văn minh của loài người.

Ông Bussiere nói, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và sự phát triển của chúng "không phù hợp với điều gọi là ‘duy trì khả năng răn đe hạt nhân được giữ ở mức tối thiểu’ đã được Trung Quốc tuyên bố công khai". Ông nói trên một diễn đàn trực tuyến: "Sẽ có một điểm, một điểm giao nhau, nơi mà số lượng các mối đe dọa do Trung Quốc gây ra vượt quá số lượng các mối đe dọa do Nga đem lại".

Viên tướng chỉ huy cấp cao quân đội Mỹ này cũng cho biết, nhận định này không chỉ dựa trên số lượng đầu đạn hạt nhân tàng trữ của Trung Quốc, mà còn dựa trên cách thức các đầu đạn hạt nhân này được “triển khai trong chiến đấu”. Bussier nói rằng điểm giao cắt Trung Quốc vượt qua Nga "sẽ xuất hiện trong vài năm tới".

Tướng Thomas Bussiere, Phó Tư lệnh STRATCOM đã cảnh báo Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Nga, trở thành mối đe dọa hạt nhân số một đối với Mỹ (Ảnh: Getty).

Tướng Thomas Bussiere, Phó Tư lệnh STRATCOM đã cảnh báo Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Nga, trở thành mối đe dọa hạt nhân số một đối với Mỹ (Ảnh: Getty).

Ông cảnh báo rằng, không giống như với Nga, giữa Mỹ và Trung Quốc không có bất cứ hiệp ước hoặc cơ chế đối thoại nào để có thể "giảm bớt hiểu lầm và tránh nhầm lẫn" về vấn đề này.

Hiện tại, Mỹ đang cố gắng điều chỉnh chính sách đối ngoại và tăng cường tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để chống lại sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc.

Đầu tháng 8, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao với các nước châu Á và các nước đối tác, ông đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc. Trước đây, các “think tank” (trung tâm tư vấn) đã báo cáo dựa trên hình ảnh vệ tinh rằng Trung Quốc dường như đang xây dựng hàng trăm giếng phóng tên lửa hạt nhân. Đồng thời, Washington cáo buộc Bắc Kinh từ chối tham gia các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân.

Phía Trung Quốc nói kho vũ khí hạt nhân của họ không thể so với Mỹ và Nga. Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đối thoại, nhưng với điều kiện Mỹ phải cắt giảm kho dự trữ vũ khí hạt nhân xuống ngang mức của Trung Quốc.

Tên lửa liên lục địa DF-5B của Trung Quốc (Ảnh: THX).

Tên lửa liên lục địa DF-5B của Trung Quốc (Ảnh: THX).

Trong một báo cáo đệ trình lên Quốc hội vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính rằng kho đầu đạn hạt nhân chiến đấu của Trung Quốc là dưới 200 quả. Tuy nhiên, báo cáo ước tính rằng với việc quân đội Trung Quốc đang mở rộng và hiện đại hóa, quy mô của kho vũ khí hạt nhân ít nhất sẽ tăng gấp đôi.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến ngày 1/3/2021, Mỹ đã triển khai tổng cộng 1.357 đầu đạn hạt nhân.

Sự tiến bộ của Trung Quốc trong công nghệ phóng tên lửa cũng thu hút sự chú ý của Hoa Kỳ. Tướng Bussier nói rằng các vụ thử nghiệm khả năng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc vào năm ngoái đã vượt quá tổng số vụ của phần còn lại của thế giới cộng lại.

Trước đó, Tư lệnh STRATCOM, tướng Charles Richard, khi tham dự một diễn đàn trực tuyến do Viện Hudson, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 26/8, cho biết, trước đây Mỹ chưa bao giờ phải cùng lúc đối mặt với hai đối thủ có sức mạnh tương tự, ngoài việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân, còn sở hữu hệ thống công nghệ cao và khả năng tác chiến xuyên lĩnh vực.

Tàu ngầm chiến lược loại mới Type-096 mang tên lửa liên lục địa JL-2 (Ảnh: THX).

Tàu ngầm chiến lược loại mới Type-096 mang tên lửa liên lục địa JL-2 (Ảnh: THX).

Ông chỉ ra rằng Bắc Kinh đã nhanh chóng triển khai một loạt vũ khí chiến lược, bao gồm 6 tàu ngầm loại mới mang tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình phóng từ trên không và cải tiến hệ thống chỉ huy và điều khiển hạt nhân; cộng với việc triển khai các hệ thống kết nối trong các lĩnh vực khác nhau, đồng thời nâng cấp và sửa đổi các hệ thống phòng thủ tên lửa cùng quy chuẩn sử dụng các loại vũ khí này, nên đã tạo nên bước đột phá về sức mạnh chiến đấu của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, không giống như Mỹ và Nga, Trung Quốc không bị ràng buộc bởi các hiệp ước liên quan đến vũ khí hạt nhân, mà tự do tự tại.

Nhìn chung, với sự xây dựng mới các giếng phóng tên lửa và hạ thủy tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới, khả năng hành động của Bắc Kinh đang thay đổi. Thách thức tiếp theo đối với Mỹ là Trung Quốc sẽ chơi trò "Shell Game” (Trò chơi giấu đậu" trong một số hầm chứa tên lửa, khiến các chuyên gia khó nắm bắt được sự thật.

Ảnh vệ tinh chụp hàng trăm giếng phóng tên lửa liên lục địa ở gần Hami, đông Tân Cương (Ảnh: Chinatimes).

Ảnh vệ tinh chụp hàng trăm giếng phóng tên lửa liên lục địa ở gần Hami, đông Tân Cương (Ảnh: Chinatimes).

"Shell Game” là làm ra nhiều silo (giếng phóng) và di chuyển tên lửa thường xuyên, buộc đối phương phải tốn nhiều tài nguyên hơn để tấn công từng giếng phóng.

Tướng Richard đề cập rằng "Nga vẫn là mối đe dọa chính trong tương lai gần. Moscow tiếp tục hiện đại hóa lực lượng chiến lược, và vũ khí hạt nhân của họ lại không nằm trong phạm vi thỏa thuận đã ký giữa Mỹ và Nga. Hệ thống phòng thủ tên lửa Hạt nhân do Moscow phát triển thuộc loại này.

Mạng tin tức của Viện Hải quân Mỹ (USNI) chỉ ra rằng Moscow gần đây đã phát triển và triển khai tên lửa hành trình hạt nhân tầm trung với lý do chúng không nằm trong giới hạn của hiệp ước về Tên lửa ký với Mỹ”.

Tuy nhiên, do kết quả phát triển liên tục vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc, họ có thể gia tăng mức độ bạo lực theo ý muốn trong cuộc khủng hoảng, bao gồm cả việc sử dụng "khả năng hủy diệt độc đáo". Đối với Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, làm thế nào để đảm bảo rằng các đối thủ tiềm tàng không thực hiện các hành động tấn công đã trở thành nhiệm vụ then chốt nhất.

Ảnh vệ tinh cho thấy các giếng phóng Trung Quốc xây dựng ở các nơi khác nhau nhưng rất giống nhau (Ảnh: Chinatimes).

Ảnh vệ tinh cho thấy các giếng phóng Trung Quốc xây dựng ở các nơi khác nhau nhưng rất giống nhau (Ảnh: Chinatimes).

Richard nói rằng trong 30 năm qua Mỹ chưa bao giờ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình, và phải đến khi Obama lên nắm quyền mới thay đổi lộ trình hiện đại hóa của bộ ba hạt nhân chiến lược. Chính sách này đã được ông Donald Trump kế thừa và thực hiện trong suốt nhiệm kỳ. Hiện nay, hiện đại hóa hạt nhân đã trở thành vấn đề cốt lõi trong "Chiến lược phòng thủ quốc gia", thế trận vũ khí hạt nhân và rà soát phòng thủ tên lửa của chính quyền Joe Biden. Mục tiêu của hiện đại hóa hạt nhân là có được một hệ thống phòng thủ quốc gia hoàn chỉnh và đầy đủ, đủ sức ảnh hưởng đến việc các nhà hoạch định quyết sách không mạo hiểm phát động một cuộc tấn công.

Ông cho rằng việc đánh giá của chính quyền Biden phải xác định rõ hơn nhiệm vụ của từng vai trong hệ thống chỉ huy Mỹ và vai trò của nó trong toàn bộ chiến lược răn đe. Ông nhấn mạnh rằng các nguyên tắc chỉ đạo của chiến lược răn đe trong tương lai phải có khả năng duy trì các kết quả và lợi thế đã đạt được của các người tiền nhiệm.

Một giếng phóng tên lửa liên lục địa của Trung Quốc (Ảnh: Chinavision).

Một giếng phóng tên lửa liên lục địa của Trung Quốc (Ảnh: Chinavision).

Richard nhấn mạnh rằng răn đe chiến lược và răn đe hạt nhân là việc khác nhau, nhưng sự tin tưởng là điểm mấu chốt chung của cả hai. Gần đây, ông đã hội đàm với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, và họ đã hiểu đầy đủ về cam kết răn đe của Mỹ.

Ông nhấn mạnh rằng STRATCOM chịu trách nhiệm cung cấp các cuộc tấn công nhanh truyền thống khi đối mặt với một cuộc tấn công, và cũng sẵn sàng đáp trả các vũ khí liên lục địa siêu thanh tấn công từ mọi phía.