Hậu quả khôn lường từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một trong những hậu quả nghiêm trọng của việc Mỹ rút khỏi INF là phá vỡ lòng tin và gia tăng các nguy cơ.
Giới chuyên gia Nga đã phân tích về tác hại từ việc Mỹ rút khỏi INF (Ảnh: AP)
Giới chuyên gia Nga đã phân tích về tác hại từ việc Mỹ rút khỏi INF (Ảnh: AP)

Trả lời phỏng vấn báo RIA Novosti, giới chuyên gia cho rằng: việc Mỹ rút khỏi INF đã gây ra sự suy giảm lòng tin và thái độ nghi kỵ lẫn nhau về sự ổn định chiến lược trong quan hệ Nga-Mỹ, đồng thời làm gia tăng các nguy cơ trong trung hạn và dài hạn.

Vào ngày 2/8/2019, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Hiệp ước này được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, theo đó các bên cam kết không được sản xuất, thử nghiệm và triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung và tầm ngắn trên mặt đất. Hiệp ước INF chính thức có hiệu lực ngày 1/6/1988. Trước khi Mỹ đơn phương chấm dứt hiệu lực của INF thì đây là một Hiệp ước không bị ràng buộc về thời gian.

Phá vỡ lòng tin

Tổng Giám đốc hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga Andrei Kortunov nhấn mạnh rằng: “Việc Mỹ rút khỏi một hiệp ước quan trọng như INF chỉ mang lại những hậu quả tiêu cực, những hậu quả tiêu cực này thường mang tính chính trị - tâm lý nhiều hơn là kỹ thuật - quân sự, làm gia tăng các nguy cơ trong bối cảnh thế giới vốn đã rất ì ạch”.

Andrei Kortunov cho biết thêm: “Cơ chế phối hợp hành động cũng bị phá vỡ, Hiệp ước INF cũng giống như các Hiệp ước về vũ khí khác, đây là văn bản nghiêm túc, mà kèm theo đó là các cuộc thanh, kiểm tra, các cuộc gặp gỡ của giới quân sự, các cuộc tham vấn của giới chuyên gia. Đây chính là cơ chế có thể tạo ra môi trường, mà ở đó các bên có khả năng cao nhất để dự đoán được ý định của nhau, góp phần gia tăng ổn định, tin cậy lẫn nhau. Khi cơ chế đó bị phá vỡ sẽ kéo theo tất cả cũng tiêu tan, khôi phục lại là một việc làm không đơn giản”.

Khi Mỹ rút khỏi INF, tình hình của nước Nga cũng đổi thay rất nhiều.

Ông Kortunov thêm rằng: “Chúng tôi không hình dung được những kế hoạch, dự định của phía Mỹ, ngược lại phía Mỹ cũng không thể nắm được những dự định và kế hoạch của chúng tôi. Phía Mỹ cũng có rất nhiều vấn đề muốn trao đổi với Nga về các điều khoản của hiệp ước, nhưng những câu hỏi đó luôn ở trạng thái lơ lửng, bởi vì chúng tôi không có trách nhiệm phải trả lời.

Tất nhiên, đây là điều vô cùng tồi tệ. Giá như có nhiều văn bản hiệp ước, thì cái nọ có thể bù cho cái kia. Nhưng nay thì một nửa cơ hội đối thoại đã bị cắt giảm. Những hậu quả tiêu cực của việc Mỹ rút khỏi INF sẽ tác động đến lòng tin và độ minh bạch trong quan hệ Nga-Mỹ. Hiệp ước INF hết hiệu lực, và tiếp theo là Hiệp ước bầu trời mở. Vấn đề đặt ra ở đây hiện nay là : phải đánh giá tình hình trong một tổng thể và bằng mọi cách để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra”.

Làm gia tăng những tình huống bất ngờ

Theo Phó Giáo sư khoa lý luận chính trị thuộc Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế MGIMO Moscow của Nga, Ivan Timofeev: “việc Mỹ rút khỏi INF sẽ chưa có ảnh hưởng rõ rệt về ngắn hạn, nhưng xét về trung và dài hạn thì sẽ tác động rất xấu tới an ninh quốc tế và ổn định chiến lược trong quan hệ Nga-Mỹ. Trước mắt thì cả Nga và Mỹ đều chưa triển khai các hệ thống tên lửa như vậy ở châu Âu và châu Á, trong tương lai điều này sẽ xảy ra”.

Vị chuyên gia cho rằng, Mỹ sẽ triển hệ thống tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu, đến một thời điểm nhất định nào đó sẽ triển khai tiếp ở châu Á để kiềm chế Trung Quốc. Phía Nga đã đề xuất đưa ra lệnh cấm triển khai những hệ thống tên lửa loại đó trên lãnh thổ châu Âu, nhưng hiện tại chưa có thỏa thuận nào về vấn đề này. Khi không có Hiệp ước, các bên sẽ phát triển các hệ thống tên lửa và triển khai các hệ thống đó, vấn đề sẽ nảy sinh sau khi việc triển khai được hoàn tất, vì thời gian bay của tên lửa tầm trung và tầm ngắn là rất nhanh.

Ông Timofeev nhấn mạnh: “Khi các hệ thống tên lửa của các bên đã được triển khai đối diện nhau, thì tình huống bất ngờ, yếu tố vô định sẽ gia tăng, nếu có xảy ra sự cố, thì thời gian để sử lý và giải quyết sự cố đó sẽ có rất ít, thậm chí là không có. Trên thực tế, các bên luôn giành ra 30 phút để cảnh báo cho bên kia, trong khi thời gian bay của tên lửa là 5 phút… Như vậy có ai đó sẽ cho rằng : như vậy mọi lo lắng sẽ là không cần thiết. Sự việc ở đây không hoàn toàn là như vậy. Vấn đề là hiện nay, không có một cơ sở pháp lý quốc tế nào để ngăn cản việc triển khai những hệ thống tên lửa đó”.

Sau khi Hiệp ước INF hết hiệu lực, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra đề xuất để giải quyết tình hình căng thẳng ở châu Âu. “Moscow sẵn sàng thể hiện thiện chí không triển khai trên phần lãnh thổ châu Âu của mình tên lửa 9M729, đổi lại, NATO cũng phải có những bước đi tương tự”, ông nói

Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO mới đây, các nước thành viên của khối này đã phản đối đề xuất của Nga về việc: sau khi Hiệp ước INF hết hạn, không triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu.