Ngày 14/6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Thụy Điển (SIPRI) đã xuất bản cuốn niên giám năm 2021, nêu rõ rằng Trung Quốc đang mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.
Theo dữ liệu được công bố trong niên giám, số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đã tăng từ 320 vào năm 2020 lên 350 trong năm nay, mức tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm gần 10%. Nga vẫn đứng đầu với 6.255 đầu đạn và Mỹ đứng thứ hai với 5.550. Tuy nhiên, cả Mỹ và Nga đều giảm kho vũ khí hạt nhân của họ trong năm nay.
Bên cạnh đó, đánh giá mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc sẽ phát triển gấp vài lần trong những năm gần đây và sẽ vượt ngưỡng 1.000 chiếc vào năm 2030. Chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng cho rằng con số ước tính này là hoàn toàn có thể.
Tên lửa đạn đạo chiến lược JL-2 dùng cho phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc tham gia diễu binh (Ảnh: THX). |
SIPRI đề cập trong báo cáo, là một trong ba quốc gia đứng đầu về quân sự trên thế giới, tuy Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân nhỏ (ít) nhất nhưng lại có tốc độ phát triển nhanh nhất. Theo dữ liệu năm 2019, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là 290 chiếc, đến năm 2020, con số này tăng lên 320 và 350 chiếc vào năm 2021. Điều này có nghĩa là đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đã phát triển với tốc độ trung bình hàng năm là 30 chiếc trong hai năm qua, trở thành quốc gia có tốc độ tăng số lượng đầu đạn hạt nhân nhanh nhất. Với tình hình eo biển Đài Loan và quan hệ Trung - Mỹ ngày càng trở nên xấu đi, tốc độ gia tăng đầu đạn hạt nhân có thể sẽ vẫn duy trì tăng hàng năm với tốc độ là 10%.
Tuy nhiên, người đứng đầu phe Đảng Cộng hòa tại ba ủy ban Quân sự, Đối ngoại và Tình báo Hạ viện Mỹ ngày 7/6 đã viết thư cho Tổng thống Joe Biden yêu cầu xây dựng một "chiến lược liên cơ quan toàn diện" để ngăn chặn sự phát triển hạt nhân của Trung Quốc; vì nếu không có hành động nào được thực hiện, có thể khiến Trung Quốc đạt được "thế cân bằng hạt nhân nhất định" với Mỹ vào năm 2030.
Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (Ảnh: LNG). |
Bức thư đề cập đến việc Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh Bộ tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ đã nói khi ra điều trần trước Quốc hội rằng Trung Quốc đã chuyển một số lực lượng hạt nhân của họ sang trạng thái cảnh báo sớm và dự trữ vũ khí hạt nhân của họ dự kiến sẽ tăng ít nhất gấp đôi, thậm chí gấp ba trong mười năm tới. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính rằng điều này có thể đưa quy mô lực lượng răn đe hạt nhân của Trung Quốc lên khoảng 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Vương Vân Phi (Wang Yunfei), một nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Chính sách Trung Quốc, cho rằng nếu Trung Quốc đưa vào trang bị thêm các tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ tiếp theo (Type-096), thì trong mấy năm tới, số lượng đầu đạn hạt nhân được phóng từ đất liền và biển của Trung Quốc trên thực tế sẽ có thể lên tới con số nghìn chiếc. Bởi vì mỗi tàu ngầm hạt nhân chiến lược thường có hơn 10 đến 20 đơn nguyên tên lửa phóng thẳng đứng và mỗi tên lửa Julang-3 (JL-3) có thể mang từ 3 đến 10 đầu đạn hạt nhân; tức là mỗi tàu ngầm hạt nhân chiến lược có thể mang tới hơn 100 đầu đạn hạt nhân. Mục đích sâu xa của việc Mý yêu cầu hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là nhằm phá hủy kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc trong tương lai.
Xe chở kiêm bệ phóng tên lửa liên lục địa DF-41 (Ảnh: THX). |
Báo cáo của SIPRI chỉ ra rằng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có 312 phương tiện phóng xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Số liệu ước tính 350 đầu đạn hạt nhân trong năm nay dựa trên số lượng phương tiện phóng (tên lửa liên lục địa) đang được sử dụng. Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo chiến lược Dongfeng-41 (DF-41) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Julang-3 (JL-3) vẫn chưa được tính (vì giới chức đại lục chưa tuyên bố chính thức đưa vào biên chế).
Theo báo cáo này, nếu Trung Quốc trong năm nay tuyên bố đưa tên lửa liên lục địa DF-41 vào biên chế, dựa trên tính toán rằng mỗi chiếc DF-41 có thể mang 3 đầu đạn hạt nhân, 18 tên lửa DF-41 sẽ giúp tăng thêm 54 đầu đạn hạt nhân cho Trung Quốc. Ngoài ra, trên cơ sở tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 mà Trung Quốc đang sở hữu, còn có hai chiếc Type-094 mới đang được đóng. Vì mỗi chiếc Type-094 có thể mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm, nên báo cáo ước tính rằng một khi hai chiếc Type-094 này được đưa vào hoạt động, Trung Quốc sẽ có thêm 24 đầu đạn hạt nhân nữa.
Tàu ngầm hạt nhân Type-94 của Trung Quốc mang tên lửa đạn đạo chiến lược JL-2 (Ảnh: THX). |
Hans Christensen, Giám đốc Chương trình Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, gần đây đã nói trong một cuộc điều trần tại Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC), số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở Trung Quốc đã tăng từ 35 chiếc vào khoảng năm 2000 (trong đó 20 tên lửa có thể bắn đến gần như tất cả các nơi trên lục địa Mỹ) đã tăng lên hơn 100 chiếc hiện nay (hầu như tất cả các tên lửa đó đều có thể vươn tới một phần hoặc gần như toàn bộ lục địa Mỹ). Đến năm 2025, số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc có thể bắn tới Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 200 chiếc.
Trong lời điều trần trước Quốc hội, ông Christensen cũng nghi ngờ về tuyên bố của Trung Quốc về một "lực lượng răn đe hạt nhân tối thiểu". Ông nói: "Tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân đều tuyên bố rằng họ chỉ có số lượng vũ khí hạt nhân tối thiểu cần thiết để phòng thủ. Nhưng với tư cách là một quốc gia đã tuyên bố trong nhiều năm rằng kho vũ khí nhỏ của mình chỉ là một lực lượng răn đe tối thiểu, Trung Quốc rõ ràng cần giải thích rằng việc họ không ngừng mở rộng kho tên lửa tại sao cũng là ‘lực lượng răn đe tối thiểu’?".
Tên lửa JL-2 được phóng thử từ tàu ngầm (Ảnh: sina). |
Về việc Trung Quốc nhanh chóng phát triển và tập kết vũ khí hạt nhân, ý kiến các chuyên gia chủ yếu tập trung vào mấy vấn đề sau.
Thứ nhất, ngay cả khi Trung Quốc tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân trong vòng mười năm thì vẫn kém xa Mỹ, vì vậy Bắc Kinh sẽ duy trì chính sách "không sử dụng trước" lâu dài.
Nhà nghiên cứu cấp cao Patrick M. Cronin, Chủ tịch Dự án An ninh Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Hudson, cho biết, “Từ lịch sử Chiến tranh Lạnh, mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta biết công khai. Đồng thời, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh và Washington đều có lý trí, và sự chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp không lường trước được sẽ không để chúng ta rơi vào tình huống sử dụng những loại vũ khí này”.
Nhưng ông cũng Cronin nói rằng quan điểm này trực tiếp chỉ ra một vấn đề hiển nhiên, đó là tại sao Trung Quốc cần phải thực hiện một cuộc bành trướng hạt nhân vô nghĩa.
Do đó, quan điểm thứ hai đưa ra ý nghĩa chiến lược của việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Ông Hans Christensen của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ có thể đại diện cho quan điểm này.
Ông Hans Christensen, Giám đốc Chương trình Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (Ảnh: WP). |
Ông cho rằng trong thời đại gia tăng bất ổn trong quan hệ Mỹ-Trung, Trung Quốc cảm thấy dễ bị tấn công bất ngờ hơn và quyết định xây dựng các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới DF-41, và khởi động lại nhiệm vụ máy bay ném bom hạt nhân. Điều này cho thấy Trung Quốc "đang phát triển khả năng cảnh báo sớm cho phép phóng các tên lửa nhiên liệu rắn (tới các mục tiêu của Mỹ) trước khi các hầm chứa bị (Mỹ) phá hủy".
Sự cân nhắc này của Bắc Kinh rõ ràng đã phá hoại nghiêm trọng sự ổn định hạt nhân quốc tế và dẫn đến cuộc chạy đua quân sự hạt nhân lần thứ ba.
Báo cáo của Lầu Năm Góc vào tháng 9 năm ngoái chỉ ra rằng Bắc Kinh đã đặt sức mạnh hạt nhân của mình trên con đường vượt quá khả năng răn đe hạt nhân tối thiểu. "Trung Quốc có khả năng định xây dựng một quân đội tương đương hoặc vượt trội hơn Mỹ vào giữa thế kỷ này".
Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã phản bác, nói rằng báo cáo này là "coi thường sự thật và đầy định kiến ... cố tình xuyên tạc ý đồ chiến lược của Trung Quốc", bà nhấn mạnh "Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách quốc phòng phòng ngự".
Ông Patrick M. Cronin, Chủ tịch Dự án An ninh Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Hudson (Ảnh: VOA). |
Tuy nhiên, ông Patrick Cronin cho rằng tình hình ở eo biển Đài Loan có thể là ngòi nổ cho sự leo thang của cạnh tranh hạt nhân Mỹ-Trung. Ông nói: “Ngay cả khi ta nghĩ rằng tình hình ở eo biển Đài Loan sẽ không leo thang thành chiến tranh hạt nhân, thì mối lo ngại này đang thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc hiện đại hóa quân đội Mỹ”.
Năm 2005, Tướng PLA Chu Thành Hổ (Zhu Chenghu) từng đề xuất rằng nếu quân đội Mỹ can thiệp vào xung đột ở eo biển Đài Loan, Trung Quốc nên sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Mỹ; sự răn đe hạt nhân của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ "lo lắng về Los Angeles hơn là Đài Loan".