Mỹ bị đồng minh làm khó khi giải quyết hòa bình cho Syria

Chính quyền Tổng thống Obama đang cố gắng để tìm ra giải pháp giải quyết hòa bình cho Syria trong thời gian sớm nhất, tuy nhiên Washington lại bị chính đồng minh của mình làm khó.
Ngoại trưởng Nga, Mỹ, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ (từ trái sang) trong hội nghị đàm phán hòa bình cho Syria hồi cuối tháng 10.
Ngoại trưởng Nga, Mỹ, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ (từ trái sang) trong hội nghị đàm phán hòa bình cho Syria hồi cuối tháng 10.

Ngày 14.11 tới, tại Vienna, Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry sẽ chủ trì cuộc đàm phán quốc tế để xây dựng lộ trình hòa bình cho Syria. 

Thách thức đối với cuộc đàm phán, không phải đến từ Nga hay Iran mà lại chủ yếu đến từ các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.

Trong khi đó vào ngày 15-16.11, Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong hội nghị của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (G-20) diễn ra trong khu nghỉ mát Mediterranean ở Antalya.

Tổng thống Erdogan cho biết hôm 11.11 rằng chủ đề chính của hội nghị G-20 lần này sẽ là việc thúc đẩy nền hòa bình lâu dài cho Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ tham dự hội nghị G-20. Chiến dịch không kích IS của Nga tại Syria diễn ra mới hơn một tháng, nhưng lại thay đổi căn bản lộ trình hòa bình cho Syria trong tương lai.

Tổng thống Putin cũng có những ý định riêng về quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria, chủ nghĩa khủng bố và hoạt động không kích khủng bố.

Mỹ bị đồng minh làm khó

Tại hội thảo Vienna lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một tháng lần này, trước mắt Ngoại trưởng Kerry không chỉ là vấn đề nhân đạo trong cuộc chiến tại Syria mà đã cướp đi sinh mạng hơn 250.000 người trong hơn 4 năm qua. Vấn đề còn nằm ở chỗ, Mỹ đang muốn giảm bớt gánh nặng tài trợ cho lực lượng nổi dậy tại Syria để dành tiền chống IS hiệu quả hơn.

Tại hội nghị Vienna lần trước vào cuối tháng 10, Ngoại trưởng Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đồng ý rằng họ sẽ đặt sang một bên vấn đề nan giải nhất trong lộ trình hòa bình cho Syria đó là số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.

Lý do là bởi các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết đòi ông Assad phải ra đi, dù Mỹ cũng đã ngã theo hướng sẽ để ông Assad tại vị trong một thời gian trước khi tình hình Syria ổn định.

Trong khi đó, Nga và Iran thì cho rằng số phận của ông Assad không thể do nước ngoài quyết định mà phải do chính người dân Syria quyết định thông qua bầu cử.

Kết quả là, thay vì bàn về số phận của ông Assad cuộc đàm phán cuối tuần này sẽ tập trung vào các giải pháp chính trị khác gồm một lệnh ngừng bắn và viện trợ nhân đạo trong khu vực do phe đối lập ôn hòa kiểm soát.

Nhưng vấn đề mới lại nổi lên và lần này cũng do chính các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông làm khó cho Washington.

Để chuẩn bị cho cuộc đàm phán vào ngày 14.11, ba nhóm công tác đã được thành lập để phân loại các nhóm chiến binh tại Syria: nhóm nào là khủng bố, nhóm nào là đối lập "ôn hòa" đủ điều kiện để tham gia chính quyền chuyển tiếp trong tương lai và sẽ được nhận viện trợ nhân đạo.

Jabhat al-Nusra hay chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria sẽ bị liệt vào danh sách khủng bố. Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ lại đòi Mỹ mở rộng danh sách các nhóm đối lập "ôn hòa" trong đó có cả tổ chức Hồi giáo cực đoan như Ahrar al-Sham.

Vấn đề nằm ở chỗ Ahrar al-Sham có liên kết với Jabhat al-Nusra, đồng thời một số chỉ huy của nhóm này cũng là thành viên của Nusra. Nhưng Ahrar al-Sham lại được Saudi Arabia tài trợ kinh phí hoạt động.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói rằng việc "phân loại" khủng bố "sẽ yêu cầu cân nhắc về nhiều mặt, gồm cả Mỹ. Saudi Arabia sẽ không bao giờ ký vào một thỏa thuận phân loại Ahrar al-Sham vào nhóm những tổ chức khủng bố".

Chính vì thế, Mỹ không chỉ "đau đầu" trước các đối thủ là Iran và Nga trong đàm phán hòa bình cho Syria, mà họ còn bị đồng minh của chính làm khó.

Thiên Hà (theo Washington Post)