Theo sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Mỹ Mike Nelson, một chiến lược chặt chẽ đòi hỏi 3 yếu tố cơ bản: Mục tiêu hay mục đích, phương pháp để đạt được chúng và phương tiện – tức các nguồn lực cần thiết thích ứng. Mặc dù, chiến lược Trung Đông của Mỹ hiện nay có thể bao gồm cả 3 yếu tố trên, nhưng sự không tương ứng trên thực tế giữa mục tiêu và phương tiện mà sức mạnh quốc gia Mỹ đang chứng tỏ, đã khiến cho chiến lược này trở nên không hiệu quả.
Thực tế, Mỹ đã tăng nguy cơ chiến lược lên một cấp độ nguy hiểm, trước tiên là qua sự mất cân bằng giữa mục đích, phương pháp và phương tiện, và thứ hai là qua việc hoàn toàn hiểu sai các mục tiêu của đối thủ và những hành động của đối phương nhằm đạt được những mục tiêu trên. Mỹ đã thất bại trong việc đánh giá đúng nguy cơ chiến lược này liên quan cuộc nội chiến Syria và vai trò của Iran trong khu vực.
Vào đầu mùa hè năm 2011, và tháng 9/2015, tổng thống Obama vẫn nhấn mạnh việc loại bỏ Tổng thống Syria Bashar Assad là mục tiêu của Mỹ và đòi hỏi như điều kiện để đạt giải pháp cho cuộc nội chiến Syria. Nhằm hạ bệ Assad, ông Obama tuyên bố việc Syria sử dụng vũ khí hóa học là “lằn ranh đỏ cuối cùng đối với chúng ta”.
Rốt cuộc, Assad đồng ý giao nộp vũ khí hóa học thông qua một thỏa thuận quốc tế do Nga đề xuất để tránh Mỹ hành động quân sự. Trong khi Mỹ lập lờ nước đôi, Nga đã bất ngờ can dự trực tiếp vào Syria thông qua tăng hỗ trợ quân sự, không kích và cố vấn. Thông báo chính thức của tổng thống, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng về động thái của Nga là sự dè bỉu những hành động của Nga như một chiến lược điên rồ hoặc những hành động “vô ích”.
Tác giả Mike Nelson cật vấn lời chỉ trích là vô ích với ai? Với chế độ Assad đang cố nắm giữ quyền lực và người Iran đang mưu toan mở rộng ảnh hưởng tại Cận Đông qua đồng minh Shia, những hành động này là hữu ích đến mức không thể tin được.
Hơn nữa, với các lợi ích chiến lược của Nga nhằm duy trì và mở rộng ảnh hưởng của Moscow tại Trung Đông và Địa Trung Hải, những hành động quyết đoán của tổng thống Putin không vô ích mà cũng chẳng hề kém về chiến lược. Đúng hơn là, Nga trình diễn sự tái cân bằng giữa phương pháp và phương tiện khi thực tế thay đổi, đe dọa khả năng duy trì ảnh hưởng của Nga bằng cách hậu thuẫn Assad. Tổng thống và ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng Mỹ dường như đã trông đợi Nga hành động “hữu ích” đối với mục tiêu của Mỹ là chấm dứt cuộc nội chiến Syria thông qua lật đổ Assad, bất chấp thực tế việc đó đi ngược lại lợi ích của chính họ.
Thêm vào cuộc xung đột Syria, Mỹ cũng thất bại trong việc hiểu và ngăn chặn những nỗ lực của đối thủ trong việc thúc đẩy các mục tiêu của họ trên toàn khu vực. Trong khi bác bỏ quyền tiếp cận vũ khí hạt nhân của chế độ Iran, nhưng Iran vẫn tuyên bố thỏa thuận đạt được với phương Tây không phải là chấm dứt chương trình hạt nhân.
Rất nhiều tranh luận về chương trình hạt nhân Iran tập trung vào hai “kịch bản ác mộng”, trong đó Iran tiến hành một cuộc tấn công hat nhân nhăm vào nhà nước Israel hoặc cung cấp nguyên liệu hạt nhân cho các đồng minh khủng bố. Cả hai khả năng này đều là những mối quan ngại lớn. Cũng có khả năng Iran sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân như một sự bảo đảm nhằm chống lại các cuộc tấn công quy ước của các nước thù địch, giống như cách hiện nay các cường quốc hạt nhân đang làm.
Đó là một lợi ích đặc biệt đối với Iran, nước sẽ thích thú tự do hành động hơn để mở rộng hoạt động ra khắp Trung Đông, mà không sợ trả đũa quân sự của Saudi Arabia, các quốc gia Vùng Vịnh, Israel và Mỹ. Nếu sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ là một công cụ hỗ trợ cho mục tiêu chiến lược của Iran nhằm tăng cường ảnh hưởng và bành trướng bá quyền ra Cận Đông và bán đảo Arab.
Hiện Iran đã nhận được nguồn tiền mặt vốn bị cấm vận lâu nay và dường như tiền Iran bị quốc tế phong tỏa sẽ được dùng để mua các hệ thống phòng không hiện đại, bao gồm hệ thống S-300 tiên tiến của Nga. Nói cách khác, Iran có thể vẫn hoàn tất một số năng lực nhằm phòng ngừa các cuộc tấn công từ Israel và Saudi Arabia.
Đáng nói là Mỹ đã xem Nga như một đối tác trong việc thương lượng với Assad giao nộp kho vũ khí hóa học và một thành viên của nhóm P5+1 đàm phán hạt nhân với Iran nhằm đạt được sự ổn định khu vực và do đó thúc đẩy các lợi ích của Mỹ vào thời điểm khi những lợi ích của Nga ngày càng lồng chặt hơn với Iran và Syria.
Theo Nelson, có hai nguy cơ trong việc Mỹ không theo đuổi một chiến lược đúng đắn và thực hiện sớm thì tốt hơn là muộn. Hiển nhiên luôn tồn tại nguy hiểm cố hữu trong các yếu tố thù địch tiếp tục hướng tới các mục tiêu chiến lược của họ - mục tiêu quốc gia chống lại lợi ích của Mỹ. Rất nhiều người đã viết về việc liệu chủ nghĩa phiêu lưu của Nga và Iran có phải một động thái tốt với họ hay không. Chỉ thời gian mới trả lời được. Tuy nhiên, điều cần biết là những hoạt động đó của Nga và Iran cho dù có đạt được mục tiêu hay không, đều tuyệt đối gây trở ngại cho việc thúc đẩy các mục tiêu Mỹ.
Nguy cơ thứ hai là các yếu tố bạn bè, những người từ lâu vẫn trông mong sự lãnh đạo của Mỹ như là yếu tố ổn định an ninh khu vực sẽ nhìn nhận sự không ăn nhập giữa mục tiêu quốc gia và cách thức Mỹ áp dụng quyền lực và bắt đầu thay đổi toan tính của mình. Mục tiêu của nhiều quốc gia đó thường giống nhau, nhưng không nhất thiết sẽ đồng nhất với các lợi ích Mỹ.
Chiến dịch quân sự của Saudi Arabia và các nước Vùng Vịnh tại Yemen, rồi sự hậu thuẫn của các nước Vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nhóm đối lập Syria với quan hệ cực đoan là những minh chứng cho các yếu tố bạn bè ở khu vực đang trở nên đáng ngờ và không chắc chắn với sự lãnh đạo của Mỹ. Thay vì thế, các nước này lâu nay vốn cảm thấy sẽ không được Mỹ bảo vệ, đang có những phương pháp và nguồn lực riêng để đạt được lợi ích an ninh, càn làm phức tạp thêm địa chính trị Trung Đông.
Lòng tin với Mỹ tiếp tục bị xói mòn có thể dễ dàng dẫn tới một sự bất ổn khu vực lớn hơn và một mong muốn nhờ cậy tới các hoạt động của đồng minh (bao gồm cả Israel), những nước tự cảm thấy phải tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng đăng tăng lên của Iran.
Nếu như Mỹ không có bất cứ hy vọng nào giành lại quyền kiểm soát chiến lược Trung Đông của mình, cần phải có sự đánh giá chân thực về mục tiêu quốc gia của Mỹ, mục tiêu quốc gia của đối thủ là gì, cũng như nước Mỹ muốn cam kết phương pháp và phương tiện gì để đạt được các mục tiêu của mình.
Ông Nelson cho rằng, kế hoạch hiện tại với những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng vẫn còn giá trị nhưng lại bị hạn chế về phương pháp và nguồn lực để đạt tới, sẽ chỉ tiếp tục hoặc làm trầm trọng thêm hoàn cảnh hiện nay mà trong đó Mỹ buộc phải chấp nhận những sự kiện và hành động của các nhân tố thù địch. Nếu không sửa chữa, Mỹ có thể phải mất nhiều năm gắng sức mới gượng lại được do những hậu quả của một chiến lược thất bại.
*Lược dịch bài viết của tác giả Mike Nelson, sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Mỹ và cựu chiến binh chiến tranh Iraq.
Theo QPAN