Moscow có thể đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không khét tiếng S-300 tới Syria, theo một số phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, giới chức quân sự Nga không nêu rõ họ triển khai loại tên lửa nào hay Nga có bổ sung thêm lực lượng tới khu vực hay không.
“Chúng tôi đã nghiên cứu tất cả các nguy cơ có thể. Chúng tôi đã điều động tới đó không chỉ các máy bay tiêm kích, máy bay cường kích, máy bay ném bom, trực thăng tấn công mà cả các hệ thống tên lửa phòng không. Trong bối cảnh rất nhiều các biến động lớn có thể xảy ra”, Tư lệnh không quân Nga, tướng Viktor Bondarev phát biểu trên tờ Komsomolskaya Pravda.
Không rõ liệu có phải tướng Bondarev nói tới sự bổ sung thêm vũ khí hay một số hệ thống phòng không phòng thủ điểm Pantsir-S1 đã được Nga triển khai tại Syria trước đó.
Nếu như quân đội Nga triển khai một phiên bản của hệ thống Almaz-Antey S-300, đó sẽ là một vấn đề phức tạp lớn cho chiến dịch không kích của Mỹ và lực lượng đồng minh. Almaz-Antey hiện được chế tạo thành 2 phiên bản của hệ thống vũ khí theo giới thiệu sản phẩm gồm S-300PMU2 và S-300VM, còn được gọi là Antey-2500. Cả hai hệ thống này đều có tầm bắn trên 120 dặm và có thể bắn hạ các mục tiêu bay ở độ cao hơn 30km. Các vũ khí này có thể đối phó đồng thời hàng chục mục tiêu hoặc nhiều hơn.
Một tướng lĩnh lính thủy đánh bộ từng nói với tác giả Dave Majumdar của tạp chí National Interest hồi đầu năm nay rằng S-300 là hiểm họa chết chóc đối với tất cả, trừ các loại máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tàng hình tối tân nhất. “Một yếu tổ thay đổi cuộc chơi đối với tất cả các máy bay chiến đấu thế hệ 4 như F-15, F-16 vàF/A-18. Nó là một con quái vật và bạn không muốn lại gần”, ông ta nói.
Nếu như Nga đã triển khai hệ thống S-300 hoặc tồi tệ hơn là hệ thống tên lửa phòng không chiến lược S-400 tới Syria, nó có thể khiến toàn bộ Syria trở thành một vùng cấm bay hiệu quả trên thực tế đối với các máy bay của Mỹ và liên quân. Chỉ loại máy bay tiêm kích F-22 và máy bay ném bom Northrop Grumman B-2 Spirit mới đủ khả năng hoạt động bên trong các khu vực được các hệ thống tên lửa đáng sợ trên canh giữ.
Nhưng thậm chí ngay cả những loại máy bay tối tân trên cũng có thể bị thử thách nếu như có đủ các khẩu đội S-300 tác chiến trong hệ thống phòng không đồng bộ của Nga. Chính xác số lượng và địa điểm triển khai các hệ thống S-300 lại là một vấn đề đau đầu lớn khác. Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ thực tế các hệ thống tên lửa S-300 là hệ thống di động và chúng có thể di chuyển vào bất cứ thời điểm cần thiết nào.
Trên lý thuyết, loại máy bay chiến đấu mới Lockheed Martin F-35 cũng có thể tác chiến chống các hệ thống tên lửa phòng không chiến lược Nga – ít nhất đó cũng là điều Lầu Năm Góc tuyên bố. “Máy bay có tính năng vượt trội và có thể lọt vào không phận các loại máy bay khác không thể và nó có thể sử dụng tác chiến điện tử để đánh bại đối thủ và đánh bại năng lực phòng không, trong khi cùng lúc vẫn bảo vệ được hệ thống cảm biến của mình”, tướng không quân Herbert Hawk Carlisle tuyên bố.
Chiến đấu cơ F-35B hiện nay đang hoạt động trong lực lượng lính thủy đánh bộ. Nhưng rõ ràng không ai dám chắc chúng sẽ an toàn trước các vũ khí tối tân nhất của Nga.
Theo QPAN
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu