>> Thủ Thiêm - Một tương lai của hai thế hệ bị bỏ lỡ
Những nghĩa trang khu vực phía Đông Quận 2 tấp nập người đến thăm mộ từ sáng sớm. Chính quyền địa phương phải tạo điều kiện cho người đi thăm mộ có chỗ để xe ven đường, tại các khu nghĩa trang không có chỗ để xe như nghĩa trang Phúc Hải, nghĩa trang Kiến An – Ngọc Lũ (trên đường 42 phường Bình Trưng Đông, Quận 2, TP.HCM).
Một số nghĩa trang lớn như làng Văn Giáp hay Trần Hưng Đạo, người viếng mộ tự xếp xe gần khu vực mộ mà họ đến viếng. Kẻ vào người ra nhộn nhịp từ hơn 5 giờ sáng. Dọc con đường dẫn đến nghĩa trang những thùng hoa được bày bán rải rác, kèm theo đó là giấy tiền vàng mã, nhang đèn, nước uống.
Kiếm sống nơi cửa mả, mỗi năm chỉ có 2 lần, ở Q.2, TP.HCM. Ảnh: GVT.
|
Những điểm bán hàng này mỗi năm chỉ xuất hiện mấy ngày cuối năm mà thôi. Thông thường từ 24 đến 29 tháng Chạp hàng năm.
Kiếm sống nơi tử địa
Có mặt từ tờ mờ sáng, sớm hơn cả người đến viếng từ lúc quản trang ( người quản lý, trông coi nghĩa trang) vừa mở cửa, có một đội quân đã tràn vào sẵn. Đội quân này mỗi năm chỉ xuất hiện 2 lần vào dịp tiết Thanh minh và Tảo mộ cuối năm. Thông thường cuối năm là dịp tập trung nhiều nhất.
Họ là những người đi làm mộ thuê hay còn gọi là đi coi cúng mả (đi xem cúng mộ).
Mỗi nhóm làm mộ thuê có ít nhất 2 người. Họ mang theo một cây chổi bông cỏ, một cây chổi chà nhỏ, 1-3 lọ sơn, một chai xăng nhỏ, vài ba cây cọ, bàn chải, một cái ca và một đến 2 cái thùng xách nước. Người cùng nhóm có thể là bạn lối xóm, người họ hàng hay là đôi vợ chồng đi kiếm thêm vài đồng tiền tết gửi về cho gia đình.
Khi những người viếng mộ xuất hiện, các nhóm sẽ đến chào, gợi ý, ngã giá thương lượng để nhận việc từ chà rửa mộ, vẽ lại những chữ trên bia mộ, làm đầy các ngôi mộ bị sụp lún, trồng hoa, cho đến ngã giá bình nước cắm hoa.
Giá cho mỗi ngôi mộ được lót gạch men bóng vào khoảng 80 nghìn đồng cho đến 150 nghìn đồng; mộ đá mài và các loại đá khác có giá cao hơn một chút, nhưng cao nhất là 220 nghìn một ngôi mộ. Những ngôi mộ quét vôi hoặc sơn thì không cần dịch vụ rửa mộ. Khi ra giá rửa mộ người làm thuê phải tính tới cái vốn mình bỏ ra - đó tiền mua nước.
Nước, thứ vốn không thể thiếu để "bắt khách", được bán tùy sự vui - buồn của chủ các téc chứa này. Ảnh: GVT.
|
Ở giữa nghĩa địa mênh mông, người muốn “làm ăn” được trên địa bàn này cần phải tìm được nơi cung cấp nước. Không có nước mọi việc sẽ không thể diễn ra. Giá của mỗi thùng nước 18 lít là 5-10 nghìn đồng tùy vào ý thích của người bán. Người làm mộ thuê nếu làm ở khu vực xa nguồn nước phải xách nước rất cực, lấy công làm lời.
“Có những lúc ế quá tụi em ra giá sát lắm, không lời được bao nhiêu, còn hơn là bị ế. Tụi em “bắt khách” rồi làm nhanh chứ để họ đợi, họ kêu người khác hết thì mất công lắm!”, anh Út vừa xách thùng nước về cho vợ chà rửa ngôi mộ cho khách, cho hay.
“Sở dĩ phải đi hai người vì nếu chỉ đi một người thì lúc mình đi lấy nước người khác đến chào giá, chủ mộ được giá rẻ hơn họ bỏ không cho mình làm, xách nước về tới chỉ có nước khóc”, anh Út kể.
Năm nay hai nghĩa trang lớn nhất Quận 2 là nghĩa trang làng Văn Giáp và nghĩa trang Trần Hưng Đạo ít người viếng hẳn. Hai nghĩa trang này đang trong giai đoạn di dời giải tỏa, trong suốt năm 2019 số mộ được cải táng khá nhiều nên năm nay người viếng không còn lại là bao.
Nghề rửa mả ở Q.2 (TP.HCM) đã tồn tại hàng chục năm nay. Ảnh: GVT.
|
“Tại hai nghĩa trang đó dẹp nên làm ăn mới khó khăn như bây giờ, dân làm mả tập trung về Phúc Hải với Ngọc Lũ hết, giành nhau dữ lắm”, chị Th., một người làm mộ thuê ra vẻ tiếc nuối khi nói về hai nghĩa trang lớn nhất Quận 2 một thời.
Chị còn cho biết khách ở hai nghĩa trang đó toàn là “khách sộp”, vì họ là dân từ trung tâm thành phố qua.
Vui – buồn nơi sinh tử
Đến giữa trưa, bầu không khí ở nghĩa trang Kiến An và Ngọc Lũ ồn ào, náo nhiệt hẳn. Tiếng những người làm thuê gọi nhau hối thúc. Thân quyến người mất sau khi thắp hương cúng bái cho người thân lại cho bọn trẻ con coi cúng mộ ít đồng nhờ tìm vài bia mộ người quen.
Trẻ con trong nghĩa địa những ngày này được thuê làm những việc vặt vãnh. Có đứa đi phụ việc cho các nhóm lớn hơn kiếm tiền chia; đứa nào khéo tay một chút thì đi kẻ chữ kiếm tiền bỏ túi; mấy đứa nhỏ hơn nữa thì ngồi đợi người viếng mộ cúng xong đốt giúp người ta ít vàng mã kiếm ít trái cây, gặp “khách sộp” còn được ít thịt quay với bánh mì.
Giờ trưa cũng là giờ các Quản trang làm việc tích cực nhất. Thật ra họ đã làm việc từ tờ mờ sáng khi những người đi viếng mộ đặt chân vào. Họ đến từng ngôi mộ có người thăm chờ thân nhân thắp nhang khấn vái xong thì họ gợi ý “xin” tiền trông mộ trong năm qua.
Nói ”xin” chứ thật ra đều có giá cả hết. Ngôi mộ nào mà mấy năm trước người thăm mộ chưa cho tiền hoặc không đến thăm thì họ sẽ tính gộp lại.
Họ chăm chút cho những mộ phần khá đặc biệt...
|
...để mong gia chủ vui lòng, kiếm vài đồng vào ngày cuối năm. Ảnh: GVT.
|
Tình thực, bản thân quản trang trước đó đã phải bỏ tiền thuê nhân công về dọn dẹp cỏ dại, quét vôi cho những ngôi mộ gạch thông thường, thời gian mất tầm một tuần với khoảng 5-7 nhân công. Nhưng vô tình tiền quản trang lại là gánh nặng cho nhiều gia đình khó khăn khi giá lì xì được định sẵn.
Cô B. có chồng mất an táng tại nghĩa trang P.H nói: “Tôi thường tới viếng chồng mình, họ có trông coi gì đâu bỏ phế đó, cuối năm làm cỏ thôi”. Khi chủ mộ lì xì 100 nghìn đồng quản trang sẽ trả lại không nhận. Thái độ của họ khiến người nhà lo lắng cho mộ phần người thân những ngày sau đó, buộc phải rút hầu bao ra thêm.
Thậm chí, qua những người làm mộ thuê kể lại, được biết có người vì nghèo quá, muốn vào thăm mộ phải leo rào trốn vào thắp vội nén nhanh rồi… trốn ra.
Chiều tối muộn, chúng tôi lại theo chân Đạt, cậu thanh niên làm mộ thuê về nhà cậu ở một căn nhà heo hút tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Đạt có tên thường gọi là Heo vì cậu sinh năm con heo (1995). Mẹ Đạt bị bệnh ở nhà chăm cháu. Đứa con gái của Đạt năm nay vừa lên 4 tuổi, vợ cậu đi làm xa ở khu công nghiệp.
Gia cảnh khó khăn, cha mất sớm, anh trai bị thần kinh: ”Năm ngoái anh em lên cơn, đốt hết mấy công mía của người ta. Mẹ em phải lạy người ta chứ tiền đâu mà trả.”
Cuối mỗi năm, ở Q.2 lại tập trung nhiều người làm một nghề đặc biệt: Nghề rửa mả. Ảnh:GVT.
|
Đạt giản dị kể về công việc thường nhật của mình: “Em đi làm phụ hồ, cuối năm thì đi làm mả kiếm thêm. Mấy năm trước làm có ăn hơn. Năm ngoái với năm nay khách trả giá “chát” quá. Với lại có phần hai nghĩa trang lớn bị giải tỏa. Anh em đều khó, chia nhau mà sống.
Được cái bây giờ không còn đánh nhau giành địa bàn như trước nữa. Hồi trước đến nỗi đánh nhau để giành mua nước, anh em lớn hết rồi, biết khổ nên nhường nhau hơn.
Em hồi đó sống bên Quận 2, ở gần nghĩa trang. Về sau ba em mất, nhà em thiếu nợ bán nhà qua đây mua miếng đất ở. Mỗi năm tự nhớ ngày vác đồ nghề rủ anh em về làm kiếm tiền. Ai cũng khổ chứ có sung sướng gì đâu. Mỗi ngày làm hồ kiếm 280-300 nghìn, còn làm mả, cuối ngày trừ tiền nước các thứ chia ra cũng được 500 nghìn hơn. Kiếm hơn được đồng nào hay đồng đó.”
Bóng tối đổ sụp xuống rất nhanh trên con đường đất nhỏ ven theo bờ ruộng, Đạt lui cui bấm đèn pin lội bộ dẫn chúng tôi ra lộ lớn. Sau lưng Đạt, là ngôi nhà nhỏ còn chưa kịp tô tường. Trong ngôi nhà đó, có đứa trẻ vui vì hôm nay nhà có nhiều trái cây do cha đi làm mộ đem về./.