Mưa quá lớn, thuỷ điện xả lũ, buộc phải dừng tìm kiếm các nạn nhân Trà Leng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Ảnh hưởng của bão số 10 gây mưa lớn, thủy điện Sông Tranh 2 và Đak Mi 4 xả lũ, Nam Trà My bị chia cắt, buộc phải tạm dừng tìm kiếm các nạn nhân Trà Leng.

Mưa quá lớn, thuỷ điện Sông Tranh 2 và Đak Mi 4 xả lũ xuống hạ du Quảng Nam (Ảnh: HB ghép)
Mưa quá lớn, thuỷ điện Sông Tranh 2 và Đak Mi 4 xả lũ xuống hạ du Quảng Nam (Ảnh: HB ghép)

Ảnh hưởng của bão số 10 gây mưa lớn tại Quảng Nam, khiến các huyện miền núi tiếp tục đối mặt với nguy cơ sạt lở núi, lũ quét, nhất là các địa phương đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, làm thiệt mạng nhiều người như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn… các địa phương đồng bằng ngập lụt vì thuỷ điện Sông Tranh và thuỷ điện Đak Mi 4 xả lũ.

Mưa lớn liên tục trút xuống khiến ai cũng cảm thấy rất bất an vì nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại huyện Bắc Trà My, mưa lớn đã khiến tuyến Quốc lộ 40B đoạn qua khu vực ngầm sông Trường (xã Trà Sơn) bị ngập nặng, giao thông lên huyện Nam Trà My bị chia cắt, một số khu vực ở thị trấn Trà My cũng ngập nặng.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, trước lượng nước đổ về hồ lớn, thủy điện Sông Tranh 2 đã phải xả lũ điều tiết xuống hạ du. Tính từ thời điểm 12 giờ trưa nay, ngày 6/11, lưu lượng xả của thủy điện Sông Tranh 2 hơn 1.097 m3/giây. Đồng thời, lưu lượng nước về hồ thủy điện Đak Mi 4 (huyện Phước Sơn) 810 m3/giây; thủy điện này xả lũ qua tràn với lưu lượng hơn 585 m3/giây.

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam thông tin, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 10, trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Ngày 6/11, Quảng Nam tiếp tục mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Rất cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét tại các sông, suối, vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối, thuộc các huyện như: Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Đại Lộc, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức; tình trạng ngập lụt diện rộng tiếp tục tại các vùng trũng thấp các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An và TP Tam Kỳ.

Thủy điện Đắk Mi 4 tiếp tục xả lũ - Ảnh: Trường Minh
Thủy điện Đắk Mi 4 tiếp tục xả lũ - Ảnh: Trường Minh

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và tại các địa phương đã nhanh chóng lên kế hoạch di dân khỏi những vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, theo cập nhật từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, sự thực là di dân đến vùng nào cũng đầy rẫy nguy cơ sạt lở, do lượng mưa quá lớn đã tích tụ một khối nước khổng lồ trong lòng núi.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho hay, các điểm lũ quét, sạt lở gây chết người tại xã Trà Vân, Trà Leng (Nam Trà My), các xã Phước Kim, Phước Lộc (Phước Sơn) đã được cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân.

Tại thôn 1 (xã Trà Leng), địa hình khu vực có độ cao tuyệt đối 300 - 900m, chủ yếu thuộc dạng núi trung bình đến cao; độ dốc sườn tự nhiên 25 - 35 độ. Thảm phủ thực vật là rừng trồng cây lâm nghiệp (chủ yếu là cây keo) với mật độ che phủ 80 - 85%. Mạng lưới khe suối trong khu vực chủ yếu là khe suối ngắn, dốc, các thung lũng suối hẹp và dốc ở thượng nguồn có dạng hình chữ “V”, đều đổ vào sông Trà Leng.

Khu vực sạt lở thôn 1 có sự phân bố đứt gãy chạy dài khoảng 20km, làm cho đá của khu vực bị cà nát, dập vỡ rất mạnh, tạo điều kiện để quá trình phong hóa phát triển sâu. Vụ trượt lở xảy ra vào ngày 28/10 vừa qua nằm trong phạm vi đới dập vỡ mạnh. Còn trượt lở tại thôn 1 (xã Trà Vân) xảy ra tại địa hình có độ cao 600 - 900m, độ dốc tự nhiên 20 - 30 độ, thảm thực vật là rừng trồng lâm nghiệp, độ che phủ 65 - 70%, mạng lưới khe suối ngắn và dốc.

Trước tình trạng mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 10, đồng thời thủy điện Sông Tranh 2 và thuỷ điện Đak Mi 4 xả lũ, huyện Nam Trà My bị chia cắt, các lực lượng chức năng buộc phải tạm dừng tìm kiếm nạn nhân Trà Leng; đợi bão số 10 tan rồi mới có thể tiếp tục tìm kiếm.