Mưa lũ lịch sử: Phá đập cứu 500 hộ dân bị ngập

Do mưa lớn kéo dài, từ sáng 2/8, 500 nhà dân ở khu vực trung tâm thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) bị ngập sâu trong nước.
Nước ngập khu dân cư ở Uông Bí sáng 2/8 - Ảnh: Báo Quảng Ninh
Nước ngập khu dân cư ở Uông Bí sáng 2/8 - Ảnh: Báo Quảng Ninh

TP Uông Bí: Phá đập cứu dân

Do mưa lớn kéo dài, sáng 2/8, 500 nhà dân ở khu vực trung tâm thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) bị ngập sâu trong nước.

Thành phố đã huy động hàng trăm chiến sỹ bộ đội, công an cùng các lực lượng địa phương sơ tán dân, kiểm soát, cắm biển cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm, đập tràn xung yếu.

Đến trưa cùng ngày, lũ tràn cao qua các đập tràn, nhiều điểm giao thông bị chia cắt. Thông tin mới nhất có xã Thượng Yên Công đang bị cô lập.

Lúc 2h15 phút, chia sẻ với VietNamNet, ông Lý Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí cho biết, do mưa lớn kéo dài lũ tràn cao qua các đập, ngầm ở xã Thượng Yên Công khiến xã này bị chia cắt với TP và 1 hộ dân bị cô lập.

"Hiện tại trời vẫn đang mưa nên nước chưa có dấu hiệu rút. Xã Thượng Yên Công bị ngập nặng nhưng không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản xã vẫn chưa thể thống kê. Tuy nhiên hàng trăm ha lúa và hoa màu của người dân xã Thượng Yên Công và Đông Phương đã bị ngập, nguy cơ mất trắng", ông Hải nói.

Hiện, TP Uông Bí đã chỉ đạo lực lượng trực tại xã huy động các máy xúc xúc đất khu vực sạt lở. Hộ dân bị cô lập đã được đưa lên vị trí an toàn.

Nhiều điểm xung quanh hồ công viên (phường Quang Trung) bị ngập nặng. Lực lượng chức năng đã phải dùng xe cơ giới phá đập tràn cầu Sông Sinh, xả nước.

Mưa lũ lịch sử: Phá đập cứu 500 hộ dân bị ngập ảnh 1
Phá đập xả lũ ở Uông Bí - Ảnh: Báo Tiền Phong

Ứng trực 24/24 tại các 'điểm đen', công trình

Trao đổi với VietNamNet trưa 2/8, ông Nguyễn Công Tuyên, Phó phòng Kỹ thuật môi trường nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: "Công ty đã bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, đồng thời phối hợp với các Chủ đầu tư, Nhà thầu có công trình thi công trên hệ thống thoát nước để khơi thông dòng chảy nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng khi có mưa lớn".

Mưa lũ lịch sử: Phá đập cứu 500 hộ dân bị ngập ảnh 2
Trận mưa vừa ngày 1/8 đã gây ngập một số tuyến phó ở Thủ đô - Ảnh: Phạm Hải

Ông Tuyên cho biết thêm, từ trưa ngày 1/8, Hà Nội bắt đầu xảy ra mưa to (lượng mưa 30mm/15phút). Trước thời điểm xảy ra mưa, công ty đã tiến hành thu vớt rác tại miệng cống, khơi thông dòng chảy, vệ sinh mặt đường.

Các dàn thiết bị cơ giới hỗ trợ nạo vét, thông tắc tại các vị trí đã được phân công. Các cửa hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hoà nước. Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác cũng liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống".

Cũng theo ông Tuyên, trong những ngày tới Hà Nội tiếp tục có mưa, Công ty vẫn tổ chức ứng trực tại hiện trường, vận hành trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác để hạ mực nước.

"Khi có mưa, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị bố trí 100% lực lượng công nhân thực hiện ứng trực tại các "điểm đen", ông Tuyên cho biết thêm.

Theo đó, các 'điểm đen' về ngập lụt công ty này cảnh báo để người dân đề phòng là: đường Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, điểm Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt.

Cắt tỉa để hạn chế cây xanh gãy đổ

Có mặt tại văn phòng ngày chủ nhật, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, nói: "Công ty cắt cử người trực 24/24 giờ phòng các trường hợp khẩn cấp. Việc cắt tỉa cành, cây để hạn chế cây đổ, gãy cảnh lúc mưa bão lớn được tiến hành thường xuyên chứ không phải đợi lúc mưa bão lớn mới làm. Những lúc mưa lớn, cây đổ nhân viên sẽ được huy động 100% đi làm để giải tỏa giao thông, đảm bảo sinh hoạt cho người dân".

Ngoài trường hợp cây xà cừ ở đường Hoàng Diệu, Ba Đình trên địa bàn Hà Nội từ hôm qua đến trưa 2/8, không có sự cố nào đáng kể về cây xảy ra, đại diện cty này cũng cho biết thêm.

Thủ tướng 'không để người dân vùng lũ đói, khát'

Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Tấn Dũng vừa gửi Công điện về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh Bắc Bộ.

Theo Công điện, trong tuần vừa qua, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt tại nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ, thiệt hại lớn về người và tài sản

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức tìm kiếm người mất tích, mai táng người bị thiệt mạng, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Đồng thời, các cơ quan này cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị cô lập, chia cắt không để người dân bị đói, khát.

Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn chủ động tham gia hỗ trợ nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan này phải tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập để bảo đảm an toàn công trình và tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du; chỉ đạo chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam có phương án phòng chống sạt lở, nhất là các bãi xỉ thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ; thường xuyên cập nhật, thông tin để chủ động phòng, tránh.

Công diện cũng nêu rõ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến tình hình mưa lũ; làm tốt công tác thông tin truyền thông để các Bộ, ngành, cơ quan và nhân dân chủ động phòng, tránh.

Điện lực báo động cấp 1

Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cũng cho biết đã ban hành lệnh báo động cấp 1 nhằm đảm bảo điện cho sinh hoạt cũng như hoạt động của các trạm bơm trên địa bàn trong thời điểm mưa lớn đang diễn ra tại Thủ đô.

Tại các khu vực có đặt trạm bơm tiêu lớn (Yên Sở, Bắc Thăng Long-Vân Trì hay các địa điểm đầu mối dễ xảy ra úng ngập trên địa bàn thành phố), Cty này đều bố trí hai nguồn điện lưới và máy phát điện dự phòng để kịp thời hoạt động chống úng ngập.

Mặt khác, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cũng yêu cầu, các công ty điện lực, các bộ phận chuyên môn trực điều hành 24/24 giờ, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục cho sinh hoạt cũng như hoạt động của các trạm bơm tiêu trong những ngày mưa ở Hà Nội.

Nhiều nơi mưa to trong vài giờ tới

Sáng nay (2/8), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo, trong 3 đến 6 giờ tới, mưa to đến rất to tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Đông Bắc Bộ, đặc biệt là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, với lượng mưa phổ biến khoảng 30 - 60mm, có nơi trên 80mm.

Đêm qua và sáng nay (2/8), ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được trong 12 giờ qua (tính đến 7h ngày 2/8) ở Điện Biên 100mm, Mộc Châu (Sơn La) 80mm, Uông Bí (Quảng Ninh) 130mm, Phủ Liễn (Hải Phòng) 100mm, Chí Linh (Hải Dương) 70mm,…

Mưa lũ lịch sử: Phá đập cứu 500 hộ dân bị ngập ảnh 3
Trận mưa kéo dài từ trưa đến đầu giờ chiều qua (1/8) cũng khiến một số ở tuyến đường ở Hà Nội ngập úng. (Ảnh: P.Hải)

Dự báo từ hôm nay (2/8) đến 4/8, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng. Tổng lượng mưa trong 2 ngày (đến 3/8) ở khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ 50-100mm (riêng vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định 150-250mm). Tổng lượng mưa cả đợt ở khu vực Việt Bắc và Tây Bắc 150-250mm; có nơi trên 300mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là: Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

Sáng 2/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết theo báo cáo nhanh của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang và Sơn La, mưa lũ đã làm 3 người chết (Lai Châu 2 người; Sơn La 1 người); 4 người bị thương ở Điện Biên.

Ngoài ra, mưa lũ đã làm hơn 200 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, tốc mái, ngập nước; gần 2.500 ha lúa và 680ha hoa màu bị ngập, thiệt hại; trên 11.500 con gia súc, súc cầm bị chết; gần 11.000m kênh mương và 6 hồ chứa, đập bị thiệt hại, 64 công trình thủy lợi nhỏ bị sập, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng 120.500m3.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã trực tiếp đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều thành phố Hà Nội và chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với mưa lũ. Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp giữa Văn phòng thường trực với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị tư vấn tính toán điều tiết liên hồ chứa để đề xuất phương án điều hành hồ chứa Sơn La, Hòa Bình.

Theo VOV

Hiện nay, mực nước trên sông Đà, sông Thương đã lên nhanh, đạt đỉnh và đang xuống. Đỉnh lũ trên sông Đà (tại Mường Tè) ở mức 286,9 m vào 22 giờ ngày 1/8 (dưới báo động 2 là 0,6m); trên sông Thương (tại Phủ Lạng Thương): 4,8 m vào 15 giờ ngày 1/8 (trên báo động 1 là 0,3m). Mực nước trên sông Thao và sông Bằng Giang đang lên nhanh: Lúc 7 giờ ngày 2/8, trên sông Giang (tại Bằng Giang) ở mức 180,7 m (trên báo động 1 là 0,2m); trên sông Thao (tại Yên Bái): 29,5 m (dưới báo động 2 là 0,5m).

Từ ngày 2-4/8, trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 5 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét. Mực nước sông Thao (tại Yên Bái) lên trên mức báo động 1; sông Thương (tại Phủ Lạng Thương): báo động 2; sông Cầu (tại Đáp Cầu) và sông Lục Nam (tại Lục Nam): báo động 1; sông Giang (tại Bằng Giang): báo động 2. Dòng chảy lớn nhất đến hồ Sơn La đạt mức 8000 m3/s, dòng chảy lớn nhất đến hồ Hòa Bình đạt mức 5500 m3/s.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cảnh báo, diễn biến về đợt mưa còn rất phức tạp nên yêu cầu người dân ở các tỉnh, thành phía Bắc không được chủ quan.

Bảo Anh - Ngọc Trang
Theo: VietnamNet