Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của áp thấp, lượng mưa đo được phổ biến từ 200-500 mm, một số nơi lớn hơn Đồng Hới 750 mm, Minh Hóa 550 mm.
Theo báo cáo nhanh chiều 14/10 của Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình, mưa lũ đã làm 3 người chết, 2 người mất tích, 9 người bị thương. Trong khi đó, hàng nghìn ngôi nhà dân bị ngập lụt hoặc tốc mái do lốc xoáy. Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị chia cắt khiến nhiều vùng bị cô lập.
Đặc biệt, đến 19h ngày 14/10, đã có 11 điểm sạt lở trong khu gian từ ga La Khê (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đến ga Ngọc Lâm (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình).
Vụ việc này khiến ngành đường sắt phải tiến hành phong tỏa khu gian bị sạt lở từ ga Ngọc Lâm đến ga Lệ Sơn và cho dừng 10 đoàn tàu khách cùng 12 đoàn tàu hàng nằm tại các ga dọc đường ở Quảng Bình chờ thông tuyến. Cán bộ, nhân viên đường sắt tại Quảng Bình cũng được phân công túc trực 24/24 để ứng phó tình hình bão lũ.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng ngày 14-10 về việc chỉ đạo khắc phục sự cố tàu hỏa bị tắc nghẽn tại Quảng Bình do tác động của mưa, lũ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) khẩn trương chuẩn bị và cấp phát thức ăn, nước uống cho hành khách đi tàu, hướng dẫn, thông tin để hành khách yên tâm, đề xuất và thực hiện phương án giải tỏa hành khách nếu thời gian ách tắc kéo dài.
Được biết, tại Quảng Bình, mưa lũ kèm theo lốc xoáy làm hơn 400 nhà dân bị tốc mái, đổ sập.
Cụ thể, tại huyện Tuyên Hóa, có 230 nhà dân tại xã Cao Quảng, xã Mai Hoá bị ngập; 140 hộ ở thôn Vĩnh Xuân, Phú Xuân, xã Cao Quảng bị ngập lũ, 34 nhà dân ở xã Đức Hoá bị lũ quét. Huyện Minh Hóa có 45 nhà dân bị ngập ở thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa) từ đêm 13/10, nơi ngập sâu nhất khoảng 2,5m. Huyện Quảng Trạch 22 nhà bị ngập tại xã Phù Hóa. Xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn cũng có hàng trăm nhà dân bị ngập lụt... Đáng ngại hơn, toàn tỉnh Quảng Bình có 6/20 hồ thủy lợi vượt tràn, gây nguy cơ vỡ đập cao là, hồ Rào Đá (Quảng Ninh), An Mã (Lệ Thủy), Thác Chuối (Bố Trạch), Phú Vinh (TP. Đồng Hới), Phú Hòa (Lệ Thủy) và Sông Thai (Quảng Trạch).
Đến 21h, nhiều khu vực Quảng Bình bị ngập sâu, lũ vẫn đang lên nhanh ở nhiều khu vực.
Tại tỉnh Quảng Trị, lốc xoáy đã khiến 3 người dân tại huyện Triệu Phong bị thương; 450 nhà dân tại các địa phương Vĩnh Linh, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng... bị tốc mái. Trong đó, có 55 nhà bị tốc mái nặng, còn lại hư hỏng một phần. Nhiều diện tích hoa màu, cây lâu năm, cây công nghiệp của người dân bị ảnh hưởng, hư hại. Nhiều nơi mất điện trên diện rộng. Lũ lên nhanh gây ngập và sạt lở nhiều tuyến giao thông ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đắkrông.
Ngoài ra, đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) vẫn đang bị ngập sâu 4-5 m. Các quốc lộ, tỉnh lộ như 12A, 12C, 15 và 9B đều ngập từ sâu 0,6 đến 1,2 m.
Tại Thừa Thiên Huế, sáng 14/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên-Huế đã phải cho học sinh nghỉ học vì lượng mưa ngập lớn (phổ biến từ 200-300 mm).
Nhiều nơi mưa rất to kèm theo gió giật mạnh khiến cây cối bị gãy đổ, 87 căn nhà bị tốc mái, hàng trăm ngôi nhà bị ngập bình quân từ 0,1-05m; các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ dẫn về các huyện Phong Điền bị ngập sâu, giao thông chia cắt.
Theo thông tin ban đầu, một ngư dân ở huyện Phú Vang đã tử vong do bị lật thuyền.
Các tỉnh miền Trung sẽ khó khăn hơn khi Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung Ương thông báo siêu bão Sarika giật cấp 12 đang đi vào địa phận Biển Đông, hướng thẳng vào vùng biển miền Trung.