Một năm sau vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, quan hệ Mỹ - Trung vẫn căng như dây đàn

VietTimes -- Khi bà Mạnh Vãn Châu bước xuống từ máy bay của hãng Cathay Pacific tại Vancouver, Canada vào ngày 1/12/2018, ít ai biết trước rằng bà sắp trở thành một con tốt thí trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu đang ngăn chặn khả năng bà bị dẫn độ về Mỹ (Ảnh: The Star)
Các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu đang ngăn chặn khả năng bà bị dẫn độ về Mỹ (Ảnh: The Star)

Khởi hành từ Hong Kong, bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc và là con gái của người sáng lập tập đoàn Nhậm Chính Phi - lúc bấy giờ đang đổi chuyến để tới Mexico và nghĩ rằng chặng dừng chân ở Vancouver không làm bà mất nhiều thời gian.

3 giờ đồng hồ sau, sau khi bị bắt giữ và thẩm vấn bởi các quan chức Canada liên quan tới vai trò của bà tại Huawei, bà Mạnh nhận ra rằng mình bị bắt theo yêu cầu của chính quyền Washington. Dù phải đến ngày 5/12/2018 vụ bắt giữ mới được công khai, nhưng chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra nhiều lời kêu gọi trả tự do cho bà Mạnh từ trước đó.

Tiến trình xét xử tại tòa án ở Canada sau đó cho thấy Mỹ đã phát lệnh truy nã bà Mạnh Vãn Châu từ vài tháng trước đó do cáo buộc bà che đậy thương vụ bán trang thiết bị cho phía Iran, vi phạm lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với quốc gia này.

"Đó là thời điểm mà cái gọi là cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhận được sự quan tâm của toàn thế giới" - Paul Haswell, đối tác cố vấn công nghệ thuộc công ty luật Pinsent Masons, nhận định - "Tôi cho rằng vụ bắt giữ bà Mạnh đánh dấu lần đầu tiên mà Mỹ đưa ra biện pháp mạnh tay nhằm vào một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc".

Ông Haswell chỉ ra rằng, cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bùng phát từ cách đây 2 thập kỷ, khi xuất hiện nhiều mối quan ngại trước hành động ép buộc chuyển giao công nghệ của Trung Quốc. Nhiều trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cùng các chiến lược về giá mà các công ty công nghệ Trung Quốc áp dụng - giúp hàng hóa của họ rẻ hơn so với của các đối tác phương Tây - càng khiến cuộc chiến này trở nên căng thẳng.

Kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trỗi dậy từ cách đây hơn 1 năm, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường công kích các công ty công nghệ Trung Quốc, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Hành động mà Mỹ nhằm vào Huawei được tăng cường kể từ thời điểm đó.

Trong tháng 5 vừa qua, Huawei - nhà cung ứng thiết bị viễn thông lớn nhất và là hãng sản xuất smartphone đứng thứ hai thế giới - đã bị liệt vào danh sách đen thương mại, khiến công ty này bị hạn chế tiếp cận các thiết bị công nghệ cao của Mỹ - như chip và phần mềm. Huawei khẳng định rằng Washington không có đủ bằng chứng để cáo buộc họ do thám cho chính phủ Trung Quốc.

Trong lúc lệnh cấm thương mại này có thể khiến các hãng cung ứng cho Huawei ở Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm, nhiều quan chức Mỹ cũng cảnh báo rằng các lệnh cấm có thể gây tổn hại cho ngành công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, những chính trị gia có quan điểm cứng rắn ở Washington vẫn một mực khẳng định rằng Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh cần được giải quyết triệt để.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu cũng khiến ông Nhậm Chính Phi - người sáng lập kiêm CEO của Huawei - bất đắc dĩ trở thành nhân vật tâm điểm chú ý của dư luận và phải ra mặt cáng đáng nhiều công việc của công ty. Trước khi vụ việc xảy ra, ông Nhậm thường để cho các nhân viên dưới quyền lo mọi vấn đề về quan hệ của công ty. Giờ thì ông phải xuất hiện khắp mọi nơi, bởi Huawei đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa về mặt chính trị và kinh tế.

Các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu lo rằng việc báo chí đưa quá nhiều thông tin về bà có thể gây bất lợi cho bà, trong lúc họ đang cố gắng ngăn chặn việc bà bị dẫn độ về Mỹ. Trong lúc phiên tòa chống lại việc dẫn độ về Mỹ sắp diễn ra, các luật sư của bà Mạnh nói rằng họ lo ngại việc đưa quá nhiều thông tin về phiên tòa có thể thu hút sự chú ý của Tổng thống Trump, khiến ông can thiệp vào vụ việc này.

Phiên tòa của bà Mạnh dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 1/2020 và kéo dài đến tận tháng 10 hoặc tháng 11 cùng năm.

Vụ việc diễn ra ngay trong lúc mà Bắc Kinh và Ottawa cũng đang gặp nhiều vấn đề bất đồng, liên quan tới vụ bắt giữ bà Mạnh và việc Trung Quốc bắt giữ các công dân Canada gồm Michael Kovrig và Michael Spavor do cáo buộc do thám.

Tân Ngoại trưởng của Canada Francois-Philippe Champagne từng nói việc trả tự do cho 2 công dân Canada là "ưu tiên hàng đầu" khi ông gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản. Nhưng Đại sứ Trung Quốc tại Canada, Cong Peiwu, liên tục nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng Canada cần phải trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu trước.

Chính quyền Washington còn đang cân nhắc về việc mở rộng quyền lực của họ để ngăn chặn thêm các sản phẩm công nghệ của Mỹ đến tay Huawei, bởi họ tin rằng điều này sẽ gây sức ép với Bắc Kinh trong các vòng đàm phán thương mại vốn tiến triển chậm hơn so với mong đợi.

"Đến năm 2020, chúng tôi không kỳ vọng Mỹ sẽ giảm bớt các đòn trừng phạt nhằm vào Huawei" - Jean Baptiste Su, chuyên gia phân tích thuộc Antherton Research, trụ sở tại California, nhận định - "Ngược lại, mọi chuyện còn có thể trở nên tồi tệ hơn".

Theo SCMP