Giám đốc điều hành của Hệ thống phòng khám Nhãn khoa Omicron, ông Alexander Padar, đã đệ đơn kiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên Tòa trọng tài Moscow vào ngày 30/11, nhưng phải đến mãi gần đây giới truyền thông địa phương mới đăng tải thông tin về vụ việc này.
Chủ doanh nghiệp nọ khẳng định rằng, việc sử dụng cụm từ “Omicron” để đặt tên cho biến chủng mới của COVID-19 cũng như bất kỳ căn bệnh nào khác, nên bị cấm.
“Tên doanh nghiệp của chúng tôi là một thương hiệu được đăng ký, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, bởi đó là dịch vụ cốt lõi của chúng ta” – ông Padar giải thích, nhấn mạnh rằng “việc liên hệ nó với một biến chủng của virus corona gây tổn hại danh tiếng của chúng tôi.”
“Hãy nghĩ mà xem, nếu ai đó chết vì “Omicron” – bạn bè hay thân nhân của các bạn, các bạn chắc chắn sẽ không thèm đi tới phòng khám có cùng tên”, ông nói thêm.
Ông Padar nói rằng ông đã đầu tư một số tiền lớn vào việc quảng bá cho hệ thống phòng khám của mình. Giờ đây, do biến chủng mới xuất hiện, những kết quả tìm kiếm về biến chủng Omicron đã thay thế tên của hệ thống y tế của ông. Padar nói rằng ông chắc chắn sẽ phải hứng chịu khoản thất thu lớn vì điều này.
Các biến chủng của COVID-19 từ trước đến nay được đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp nhằm mục đích tránh phân biệt vùng miền và để trung lập về chính trị.
Các nhà khoa học trên khắp thế giới đã đánh hồi chuông báo động về biến chủng Omicron – có tới 32 đột biến ở protein gai. Tiến sĩ Tom Peacock, chuyên gia virus đến từ Viện Hoàng gia London, nói rằng “điều này thực sự gây quan ngại”.
Anatoly Altshtei – chuyên gia virus đến từ Viện Nghiên cứu Bệnh dịch và Virus Gamaleya, cơ quan phát triển vaccine Sputnik V – lại tỏ ý nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của biến chủng mới. Theo ông, số đột biến cao ở protein gai có nghĩa rằng biến chủng mới có bộ gene không ổn định, bởi vậy nó “ít nguy hiểm hơn…một số lượng lớn các đột biến sẽ làm suy yếu khả năng gây bệnh của virus”.