Moscow và Tokyo sẽ phân chia quần đảo Kuril thế nào?

Trong tuyển tập “Những bất ngờ có thể xảy ra”, Viện nghiên cứu Berlin thuộc Qũy SWP đã mô hình hóa việc giải quyết tranh chấp giữa Nga-Nhật.
Moscow và Tokyo sẽ phân chia quần đảo Kuril thế nào?
Moscow và Tokyo sẽ phân chia quần đảo Kuril thế nào?

Tháng 4/2017 tới Nhật Bản và Nga sẽ cùng tuyên bố “chấm dứt tranh chấp quần đảo Kuril và ký kết hiệp ước hòa bình”. Đó là phần mở đầu trong kịch bản mang tính giả định do Quỹ khoa học và chính trị Berlin (SWP) đưa ra. 

Bên cạnh 10 kịch bản của các tác giả khác nhau, kịch bản này nằm trong tuyển tập “Những bất ngờ có thể xảy ra” được công bố vào giữa tháng 7 vừa qua và đã được tờ Deutsche Welle của Đức đề cập đến. 

Mục đích của tuyển tập này là mô hình hóa những bước đi ngoại giao mà Nga có thể thực hiện trong tương lai, cũng như đào tạo các chính khách để thực hiện những bước đi đó ngay tại nước Đức và Liên minh châu Âu (EU).

Những toan tính về địa chính trị của Nhật Bản

Như vậy, trước mắt chúng ta không phải là dự đoán, mà là tình huống có thể xảy ra về mặt lý thuyết dựa trên những sự kiện có thật và xu thế mới nhất trong quan hệ Nga-Nhật được chuyên gia về Nhật Bản của Quỹ SWP Alexandra Sakaki mô phỏng.

Sau khi phân tích vấn đề và những tuyên bố của Moscow và Tokyo đưa ra trong thời gian gần đây, cũng như kết quả trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 6/5/2016 tại Sochi, nữ chuyên gia này kết luận: 

Cả hai nước hiện đều đang ở ngưỡng đột phá về lịch sử trong vấn đề quần đảo Kuril. Chuyên gia còn cho rằng, tháng 4/2017 hai bên sẽ đạt được thỏa thuận về vấn đề này. 

ổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải). (ảnh: AP).
ổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải). (ảnh: AP).

Bà Alexandra Sakaki nhắc lại rằng, ông Shinzo Abe, người giữ chức Thủ tướng từ tháng 12/2012, đã tuyên bố rằng, giải quyết tranh chấp lãnh thổ và ký kết hiệp ước hòa bình với Nga là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của chính phủ ông. 

Tháng 4/2013 ông trở thành vị Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên trong 10 năm qua đến thăm Moscow. Tháng 2/2014 ông là lãnh đạo duy nhất trong số các nước G7 đến dự khai mạc Olympics tại Sochi. 

Mặc dù Nhật Bản lên án hành động của Nga tại Ukraine, nhưng lại chỉ áp đặt “lệnh trừng phạt tượng trưng” mà thôi, - Chuyên gia của SWP nhấn mạnh.

Theo bà, chính sách hiện nay của Nhật Bản đối với Nga được xác định bởi nhiều toan tính về địa chính trị: “Tokyo muốn ngăn Moscow xích lại gần hơn với Bắc Kinh do bị phương Tây cô lập về kinh tế và chính trị”. 

Tuy nhiên, ông Abe không những nỗ lực hạn chế sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực, mà còn là vì lợi ích kinh tế, trước hết là giảm sự lệ thuộc về năng lượng của Nhật Bản vào khu vực Trung Đông đầy bất ổn. 

Cũng hoàn toàn có thể có động cơ cá nhân, đó là mong muốn thực hiện nguyện vọng của người cha, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shintaro Abe là cải thiện quan hệ với Moscow.

Việc giải quyết tranh chấp được nhìn nhận như thế nào?

Nga cũng rất mong muốn có sự đột phá trong giải quyết tranh chấp. Trong bối cảnh căng thẳng quan hệ với EU, Mỹ và NATO thì việc gần gũi với Nhật Bản là một chiến thắng quan trọng mang tính biểu tượng. 

Tokyo có thể đảm nhận vai trò trung gian giữa Moscow và phương Tây nhằm thúc đẩy việc dỡ bỏ cô lập quốc tế đối với Nga. 

Chuyên gia Alexandra Sakaki cũng chỉ rõ một yếu tố cực kỳ quan trọng, đó là: nếu xoay sang Trung Quốc thì Điện Kremlin lo sợ sẽ trở thành “đối tác dưới cơ” của Bắc Kinh, cho nên mới hướng đến đa dạng hóa quan hệ với các nước châu Á nhằm củng cố vai trò của mình trong khu vực. Cuối cùng, với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tính đến việc thúc đẩy một trong những dự án ưu tiên của mình là phát triển khu vực Viễn Đông và Siberia.

Tất cả những yếu tố này, như tác giả đề cập đến, sẽ góp phần sớm đạt được sự nhượng bộ trong tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều năm qua. 

Bà Alexandra Sakaki cho rằng, giải quyết vấn đề Kuril có thể được nhìn nhận theo cách như sau: Nhật Bản sẽ công nhận chủ quyền của Nga đối với hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Kuril là Iturup, vốn chiếm hơn 1/2 toàn bộ lãnh thổ tranh chấp. Đổi lại, Nhật Bản sẽ nhận được chủ quyền đối với ba hòn đảo khác là Kunashir, Shikotan và Habomai.

Có thể gây chia rẽ trong nhóm G7

Thực tế, Kunashir - hòn đảo lớn thứ hai trong quần đảo Kuril - trong 99 năm tới sẽ vẫn thuộc quản lý của Nga. Tuy nhiên, Moscow cam kết giảm sự hiện diện của mình tại đó theo từng giai đoạn. 

Đồng thời cũng thông qua kế hoạch 10 năm quy định đầu tư quy mô lớn và hỗ trợ công nghệ của Nhật Bản trong quá trình phát triển khu vực Viễn Đông và Siberia của Nga, đặc biệt là khi khai thác các mỏ khí đốt. 

Việc xích lại gần nhau cũng diễn ra trong lĩnh vực an ninh-chính trị. Việc đầu tiên là đối thoại định dạng 2+2 cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước. 

Chuyên gia Alexandra Sakaki kết luận, tình hình tiến triển như vậy đang làm giảm đi những cơ hội, cũng như rủi ro đối với Đức và Liên minh châu Âu. 

Về nguyên tắc, việc kết thúc tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều năm phải được hoan nghênh: đó là sự ổn định trên toàn khu vực Đông Á và đồng thời phần nào làm hạn chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Chính vì vậy, chuyên gia của SWP khuyến nghị giới chính khách châu Âu hết sức tránh xa những tuyên bố có thể đưa ra kết luận kiểu như một bên “nhượng bộ” hoặc “hành động ở thế yếu”.

Hơn nữa, một thỏa thuận thực dụng giữa Nga và Nhật Bản có thể lấy làm hình mẫu cho các nước khác trong khu vực, bởi trong những năm gần đây, nhiều vụ xung đột lãnh thổ tại Đông Á trở nên nghiêm trọng. 

Bước đột phá như vậy giúp tạo ra môi trường đối ngoại tích cực, giúp châu Âu dễ dàng hơn trong việc khôi phục hợp tác với Nga, mà vẫn đáp ứng yêu cầu về mặt nguyên tắc của Hiệp định Minsk-2.

Theo tác giả, rủi ro lớn nhất là ở chỗ, Moscow có thể lợi dụng những tham vọng của Tokyo để gây chia rẽ các nước G7. 

Nhưng nếu Thủ tướng Shinzo Abe vẫn duy trì việc tích cực trao đổi ý kiến với các đối tác phương Tây và phối hợp chính sách với họ trong quan hệ với Nga, thì ngược lại, ông ấy sẽ có cơ hội thúc đẩy Kremlin xích lại hợp tác chặt chẽ và đối thoại tích cực hơn với phương Tây, chuyên gia Alexandra Sakaki nhận định.

Theo VOV.VN