Theo quan niệm dân gian, người tuổi Mão được đánh giá là thông minh, mưu trí, nhanh nhẹn và có con mắt tinh tế. Người tuổi Mão cũng đối xử với mọi người bằng sự nhiệt tình, tốt bụng. Những ai từng tiếp xúc với CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng hẳn cũng ấn tượng về sự chân tình, cởi mở của ông.
Ông Nguyễn Tử Quảng sinh năm 1975, tại xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư (nay là thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), theo học khối phổ thông chuyên Toán của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Năm 1995, chàng trai Nguyễn Tử Quảng – khi ấy đang là sinh viên năm thứ 3 Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội – đã bắt đầu phát triển các chương trình chống virus.
"Tôi đã viết phần mềm diệt virus và cung cấp miễn phí cho tất cả người sử dụng máy tính ở Việt Nam. Đơn giản vì tôi thấy đó là việc hữu ích cho xã hội", ông Quảng nhớ lại.
Ông Nguyễn Tử Quảng tại sự kiện Bkav công bố đạt chứng chỉ VB100. Đây là lần đầu tiên phần mềm diệt virus Việt đạt đẳng cấp quốc tế (Ảnh: BKAV) |
Từ sự cố virus CIH (virus Chernobyl), vị doanh nhân sinh năm 1975 đã bắt đầu ý tưởng Việt Nam cần phải có một trung tâm an ninh mạng để sẵn sàng cho những cuộc tấn công, thậm chí là chiến tranh mạng trong tương lai.
Khi đó, dù mới chỉ là giảng viên, ông Quảng đã được Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội bổ nhiệm làm Giám đốc trung tâm An ninh mạng (Bkis) - tiền thân của Bkav sau này.
Phần mềm diệt virus Bkav được cung cấp miễn phí cho người dùng trong suốt 10 năm (từ năm 1995-2005). Nhờ đó, ông Quảng đã được gọi thân mật là “bác sĩ máy tính” và được phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”.
Tuy nhiên, kể từ 2005, sau khi Bkav được thương mại hóa, mọi chuyện rẽ sang một hướng khác. Vị doanh nhân tuổi Mão cũng được biết đến với biệt danh Quảng 'nổ'.
"Sau khi thương mại hóa, tôi nhận ra mình có thể làm tốt hơn thế. Việt Nam có thể sản xuất sản phẩm công nghệ cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn công nghệ thế giới. Tuy nhiên, khi nói ra điều đó, mọi người không tin và gọi tôi là Quảng 'nổ' thay vì Hiệp sĩ công nghệ thông tin", ông Quảng bộc bạch trên chương trình Cất Cánh với chủ đề "Cứ đi rồi sẽ đến".
Chia sẻ về biệt danh này, CEO tuổi Mão từng bày tỏ: “Mọi người có thể thấy trên Internet thấy nói hoành tráng vậy thôi, chứ thực ra mình là người yếu đuối, rất nội tâm”.
Ban đầu, ông Quảng cảm thấy “shock” và phản ứng sau đó là giải thích. Tuy nhiên, giải thích mãi không được, cuối cùng ông đã rút ra: “Đúc rút kinh nghiệm giải thích là không thể, nhưng không thể vì thế mà mình bỏ những việc mình đang làm. Những việc mình đang làm là tốt, cớ sao mình lại bỏ”, giống như slogan của BKAV - "Hãy làm việc hết mình. Những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn".
Đó cũng là cách ứng xử của ông Nguyễn Tử Quảng đối với những phát ngôn về sau liên quan đến Bphone.
Bphone, AirB và...
CEO Bkav tại sự kiện ra mắt Bphone vào tháng 5/2015 |
"Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, bước ra sân khấu trong tiếng vỗ tay và đèn flash camera nhấp nháy liên tục. Ông cầm trong tay thiết bị mà ông tuyên bố nó sẽ thay đổi cả nền công nghiệp Việt Nam mãi mãi: chiếc điện thoại smartphone (điện thoại thông minh - PV) nội địa cao cấp", tờ Nikkei Asia tường thuật như vậy về sự kiện ra mắt Bphone hồi tháng 5/2015.
Khi ấy, sự kiện đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, có cả những chê bai, chỉ trích, không phải vì sản phẩm, mà là cách 'nổ' của ông Nguyễn Tử Quảng với thông điệp đã trở nên viral: 'Không thể tin nổi!'.
Bphone được cho là dự án đi theo đúng định hướng của ông Nguyễn Tử Quảng và các cộng sự. Đó là một dự án có 'năng lượng khổng lồ', và theo ông Quảng, năng lượng đó có thể giúp Bkav vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên, không ít người lại cho rằng, Bkav là tập đoàn công nghệ 'ngông', được dẫn dắt bởi một vị lãnh đạo thích 'nổ'.
CEO Bkav từng chia sẻ, ông cùng đội ngũ đã cân nhắc xem có thể làm smartphone “đẹp” hơn “tất cả các smartphone” có trên thị trường hay không. Các kĩ sư thuộc dự án đã khẳng định Iphone 3 là smartphone tốt nhất trên thị trường khi ấy, song, ông Quảng đã yêu cầu đội ngũ thiết kế phải làm Bphone khác với Iphone, đẹp hơn, trau chuốt hơn.
Không chỉ thiết kế, Bkav cũng gặp những thách thức về chip, bảng mạch. Và để cho ra mắt chiếc smartphone đầu tiên, Bkav đã phải mất tới hơn 1.500 ngày, cùng 'hàng trăm kỹ sư với tinh thần nhiệt huyết, đam mê'.
8 năm kể từ khi chiếc Bphone thế hệ đầu tiên, Bkav đã tung ra nhiều model mới, gần nhất là chiếc Bphone A85 5G được ra mắt hồi tháng 4/2022. Doanh nghiệp này còn rộng sang lĩnh vực sản xuất tai nghe không dây với dòng sản phẩm AirB.
Mặt khác, Bkav còn nhận được nhiều sự quan tâm với việc giải thể Bkav Electronics - đơn vị phụ trách các dòng sản phẩm Bphone, tai nghe AirB. Lý giải về hoạt động này, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết, việc giải thể Bkav Electronics thực chất là để tái cơ cấu, tối ưu hoạt động.
"Cách đây 2 năm chúng tôi tách riêng mảng phần cứng vốn trước đó thuộc tập đoàn, ra hạch toán độc lập với pháp nhân Công ty Cổ phần Bkav Electronics. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy chưa hợp lý, chúng tôi quyết định tái cơ cấu, sáp nhập hoạt động kinh doanh của Bkav Electronics vào lại Tập đoàn", ông Quảng chia sẻ trên trang cá nhân.
Đến tháng 11/2022, ông Quảng tiếp tục gây chú ý khi đăng tải bài viết mời gọi các Bfans tham gia hợp tác kinh doanh theo chương trình "Bổ sung vốn ưu đãi năm 2022". Hoạt động này có liên quan đến kế hoạch phát triển các mảng sản phẩm mới liên quan tới Bphone, gồm camera AI View và dịch vụ phần cứng BHS (Hardware Solution).
Ít tuần sau đó, các ông Ngô Tuấn Anh và Vũ Thanh Thắng bất ngờ cho biết sẽ rời Bkav để mở công ty an ninh mạng có tên SafeGate./.