Đề án xác định rõ quan điểm tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng đang và sẽ lợi thế xuất khẩu, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế so sánh hiện có, đồng thời tạo ra lợi thế so sánh mới dựa trên ứng dụng tiến bộ KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mục tiêu chung mà bản Đề án hướng tới là nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2030, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016 - 2020. Mỗi năm có ít nhất 100 lượt doanh nghiệp xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 200 lượt doanh nghiệp đạt giải chất lượng quốc gia.
Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên phụ liệu và linh phụ kiện cho các nganh hàng có lợi thế xuất khẩu; doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một số khâu có giá trị gia tăng cao; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam tăng ít nhất 12 bậc so với năm 2015 và góp phần đưa năng lực cạnh tranh tăng ít nhất 15 bậc so với năm 2015.
Đến năm 2030, mục tiêu đặt ra tại Đề án này là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 9-10%/năm thời kỳ 2021 – 2030; mỗi năm có ít nhất 200 lượt doanh nghiệp xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 400 lượt doanh nghiệp đạt giải chất lượng quốc gia.
Cùng với đó, hình thành các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao, làm nòng cốt cho các nhóm mặt hàng xuất khẩu; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam tăng ít nhất 20 bậc so với năm 2015 và góp phần đưa năng lực cạnh tranh tăng ít nhất 25 bậc so với năm 2015.
Đề án cũng nêu rõ các mặt hàng ưu tiên tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu và các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu của 2 nhóm hàng nông sản, thủy sản và hàng công nghiệp chế biến.
Đáng chú ý, theo Đề án, điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện là những mặt hàng nằm trong nhóm hàng công nghiệp chế biến đang có lợi thế xuất khẩu.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Đề án cũng xác định rõ các nhóm giải pháp chủ yếu sẽ được tập trung thực hiện trong giai đoạn tới, bao gồm: Tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu; Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỉ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu; Phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành có lợi thế xuất khẩu; Tăng cường vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu Việt Nam.