Cao điểm nắng nóng vừa qua đã xuất hiện tình trạng mất điện cục bộ tại một số nơi của Hà Nội như Văn Quán (Hà Đông), Mỹ Đình, Nam Từ Liêm… mặc dù trước đó đại diện EVN, Bộ Công thương từng cam kết "không cắt điện vào ngày nắng nóng".
Trả lời câu hỏi của BizLIVE nguyên nhân dẫn đến sự cố mất điện nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, công suất cũng như cầu hiện nay không có nguy cơ thiếu điện và làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người tiêu dùng.
Thứ trưởng cho rằng, thực tế có hiện tượng mất điện lý từ nhiều nguyên nhân như điều hành phân phối cũng như lý do kỹ thuật.
Lý giải cụ thể hơn, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, mất điện tại một số khu vực do quá tải.
Thời gian vừa qua nắng nóng đã có tính chất kỷ lục nên điện vào tháng 5 phát tăng hơn 8% so với tháng 4. Đặc biệt khu vực miền Bắc sản lượng bình quân đã tăng 17%, Hà Nội tăng 28% so với tháng 4.
So với cùng kỳ năm ngoái sản lượng điện ghi nhận ở hệ thống điện có ngày nắng nóng cao hơn 20% công suất tiêu thụ.
Ông Phúc cho biết, Cuc đã yêu cầu nếu nắng nóng trên 36 độ dừng công tác sửa chữa theo kế hoạch để đảm bảo cung ứng điiện.
Ngoài ra, cũng theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, cân bằng cung cầu nguồn điện đảm bảo, tổng công suất 35.500 MW, công suất khả dụng 29.000-30.000 MW, công suất tối đa thời gian vừa qua cung cấp trên 25.000 MW, dự phòng khoảng 4.000 MW.
Giữa tháng 4 vừa qua, Bộ Công thương đã có cuộc họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than Khoáng sản xác định tháng 5,6 là cao điểm cần cung ứng than, điện, khí ổn định.
Cuối cùng, ông Phúc lưu ý, trong tháng 6 nhu cầu sử dụng điện cao nhưng người dùng nên sử dụng tiết kiệm điện để đỡ quá tải. Nắng nóng cũng dễ phát cháy nên cần bảo đảm hành lang lưới điện cao áp.
Theo Bizlive