Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, những thông tin liên quan như tên công ty, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật, ngành nghề hoạt động… của công ty con mới thì lại chẳng được Masan công bố chi tiết.
Thông tin về việc xây dựng công ty con của Masan ra đời ít lâu sau “cái bắt tay” đầy bất ngờ với Tập đoàn Vingroup. Theo đó, hai hãng quyết định cho sáp nhập VinCommerce (bán lẻ), VinEco (nông nghiệp) vào Masan Consumer Holding (tiêu dùng), hướng tới mục tiêu trở thành “Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.”
Như vậy, tới đây, Masan sẽ tiếp quản 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Không loại trừ khả năng, việc xây dựng công ty con là một động thái của Masan trong việc đón các thành viên mới vào hệ sinh thái của mình.
Masan Cosumer là thành viên của tập đoàn Masan, được thành lập vào năm 2013, nắm giữ ngành hàng chủ lực FMCG của Masan với doanh thu năm 2018 là 17.008 tỉ đồng, chiếm hơn 44,5% tổng doanh thu tập đoàn.
Mới đây, Masan cũng đã đưa công ty thành viên trong mảng thịt là CTCP Masan MEATLife lên UPCoM với mã chứng khoán MML. Việc nhận sáp nhập các công ty con của Vingroup hứa hẹn sẽ tạo nên những cơ hội lớn cho Masan MEATLife, khi mà mỗi cửa hàng Vinmart sẽ trở thành điểm bán thịt của thương hiệu này.
Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường chứng khoán cho thấy niềm tin từ phía nhà đầu tư vẫn đang khá lung lay trước thương vụ. MML chào sàn vào ngày 10/12 ở mức giá 80.000 đồng/cp, đến nay thị giá chỉ còn 65.800 đồng/cp.
Nhìn chung, "bắt tay" cùng Vingroup, Masan đang có những cơ hội rất tốt trong việc tối đa hóa lợi nhuận, tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh từ khâu sản xuất đến phân phối trực tiếp cho người tiêu dùng. Dù vậy, để trở thành “Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam”, hãng cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt đối thủ, từ các nhà sản xuất ngành hàng tiêu dùng, cho đến bán lẻ truyền thống và cả thương mại điện tử./.